Các hãng phân phối xe trở lại đường đua doanh số, tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng quý I tăng 32% so với cùng kỳ năm trước lên 66.191 chiếc. Trong đó, doanh số xe du lịch đã có sự phục hồi mạnh khi tăng 34% đạt 49.428 chiếc.
Chứng khoán VDSC nhận định, có ba động lực chính thúc đẩy doanh số bán xe trong kỳ. Thứ nhất đến từ các hoạt động bỏ tiền túi để hỗ trợ lệ phí trước bạ của các hãng xe như VinFast, Mercedes-Benz, MG, Honda và Mitsubishi.
Bên cạnh đó, đầu năm 2021 cũng là giai đoạn các thương hiệu xe bước vào chu kỳ nâng cấp mẫu xe mới. Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi cũng góp phần tăng sức mua trong quý.
Lợi nhuận phi nước đại nhờ doanh số bán xe tăng mạnh
Sau kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên thành công với việc tiết lộ kế hoạch lấn sân sang điện ảnh và bất động sản nghỉ dưỡng, ông lớn phân phối xe Mercedes-Benz - CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý.
Doanh thu thuần tăng 56% so với cùng kỳ lên 1.436 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng phi mã gấp 18,6 lần năm trước lên 56 tỷ đồng. Với kết quả này, lợi nhuận quý I của Haxaco đã quay trở lại giai đoạn 2016 - 2017, trong khi ba năm 2018 - 2020 liên tiếp, lợi nhuận cùng kỳ doanh nghiệp chỉ ở mức vài tỷ đồng.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo Haxaco, kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý phần lớn nhờ lượng xe Mercedes-Benz bán ra thị trường tăng mạnh, cùng yếu tố về giá bán trên mỗi xe được cải thiện hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dư nợ vay ở các ngân hàng được kiểm soát ở mức thấp giúp giảm mạnh chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ cũng góp phần giúp Haxaco lãi đột biến trong ba tháng đầu năm.
Cũng đứng trong câu lạc bộ lãi tăng bằng lần trong quý I là CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã: SVC). Ông trùm phân phối xe Toyota tại Việt Nam đang hiện diện tại các đại lý có tiếng như Toyota Giải Phóng (64%), Ô tô Vĩnh Thịnh (90%), Toyota Long Biên (51%),…
Kết thúc quý I, hệ thống bán hàng và cung cấp dịch vụ của Savico mang về 3.537 tỷ đồng doanh thu thuần, cùng 89 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng với mức tăng 12% và gấp 9 lần quý I/2020. Kết quả này đã trở về mức trung bình quý I các năm của Savico, song vẫn thấp hơn nhiều so với khoản lãi 133 tỷ đồng cuối năm ngoái.
Mặc dù phục hồi lợi nhuận về thời điểm trước dịch COVID-19, song trong ba tháng đầu năm nay, Toyota - sản phẩm chủ lực của Savico lại chứng kiến thị phần sụt giảm từ gần 25% xuống 20%, chủ yếu do dòng xe Toyota Vios đã hạ nhiệt.
Trong khi đó, dòng xe Ford vẫn không thay đổi nhiều vị trí khi chiếm thị phần 8,9%, đứng thứ 5 trong số các mẫu xe có doanh số lớn tại Việt Nam. Đơn vị phân phối chính hãng mẫu xe này là CTCP City Auto (mã: CTF) cũng chứng kiến lợi nhuận phục hồi trong quý I.
Công ty cho biết doanh số bán xe trong quý I/2021 tăng so với quý I/2020 đã giúp doanh thu thuần tăng 41 tỷ đồng lên 1.141 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 456 triệu đồng.
Khác với ba công ty kể trên, Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã: VEA) không trực tiếp phân phối xe thì phần lớn lợi nhuận chủ yếu đến từ các công ty liên kết gồm Toyota, Ford và Honda.
Do vậy, dù doanh thu thuần giảm 2,2% xuống 976 tỷ đồng, song nhờ phần lãi 1.282 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết giúp VEAM đạt 1.467 tỷ đồng lãi sau thuế vào cuối quý I, tăng 11% so với cùng thời điểm năm trước. Tính đến hết quý I/2021 VEAM còn 13.219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Hiện VEAM đang nắm cổ phần tại ba liên doanh lớn, gồm 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam.
Lo ngại về tăng trưởng dài hạn
Mặc dù tại Việt Nam trong quý I các doanh nghiệp phân phối xe đều ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc, song trên thế giới, tình hình tiêu thụ ô tô vẫn hết sức ảm đạm. Không những nhu cầu thấp, ngành ô tô còn phải đối mặt với tình trạng thiếu chip bán dẫn do dịch COVID-19 và nhu cầu sản xuất các thiết bị công nghệ tăng cao.
Nhiều nhà máy sản xuất chất bán dẫn đã chủ động chuyển đổi dây chuyền sản xuất về hướng chip dành cho thiết bị điện tử. Theo VDSC, uớc tính, doanh thu 2020 chip bán dẫn dành cho ô tô toàn cầu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh thu chip bán dẫn cho thiết bị điện tử tăng tương ứng 11%.
Dự báo tình trạng khan hiếm chất bán dẫn sẽ chỉ được giải quyết sớm nhất vào quý IV/2021. Chuyên viên phân tích nhận định nguồn cung chip hạn chế có thể khiến giá chip tăng, đồng thời chi phí nguyên vật liệu khác cũng tăng cao như thép có thể đẩy chi phí sản xuất ô tô tăng.
Bên cạnh đó, triển vọng tích cực từ kinh tế Việt Nam và áp lực hàng tồn kho thấp cũng sẽ khiến cho giá xe khó giảm trong thời gian tới. Thậm chí, theo VDSC, giá bán ô tô sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các hãng phân phối ô tô. Dự báo doanh số bán xe trong quý II và quý III năm nay sẽ không tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ 2020, nhiều khả năng sẽ đi ngang. Triển vọng tăng trưởng doanh số bán hàng chỉ thực sự tích cực từ quý IV, khi nguồn cung dồi dào hơn, VDSC nhận xét.
"Tính chung cả năm 2021, kết quả kinh doanh của các công ty ngành ô tô sẽ tăng trưởng nhờ sản lượng tăng chủ yếu ở quý IV và quý IV cùng biên lợi nhuận tốt hơn", báo cáo phân tích cho hay.