|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các chính sách kinh tế mâu thuẫn nhau, bằng cách nào ông Trump khiến đồng USD yếu đi?

23:32 | 20/08/2024
Chia sẻ
Ông Trump muốn đồng USD yếu đi để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, mong muốn của vị cựu tổng thống lại đi ngược với những chính sách kinh tế mà ông dự định sẽ áp dụng nếu tái đắc cử.

 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên đường vận động tranh cử. (Ảnh: AFP).

Thứ ông Trump muốn

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump thường chỉ trích các nước khác vì giữ tỷ giá hối đoái quá yếu so với đồng bạc xanh. Ông cũng nhiều lần vận động Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ giá USD.

Bây giờ, ông Trump đã trở lại đường đua tổng thống. Vào giữa tháng 7, ứng viên chính thức của Đảng Cộng hoà đã sử dụng một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek để chia sẻ về vấn đề mà ông luôn đau đáu.

Khi được hỏi người Mỹ cần một nền kinh tế như thế nào, ông Trump đã nhanh chóng nêu ra “vấn đề lớn về tiền tệ”. Thứ ông Trump muốn chính là một đồng bạc xanh yếu hơn.

Ông cho biết các nhà sản xuất thường phàn nàn rằng “không ai muốn mua sản phẩm của Mỹ vì chúng quá đắt”, trong khi các quốc gia khác cố gắng duy trì một đồng nội tệ yếu để có lợi thế trong hoạt động xuất khẩu.

“Đó là gánh nặng to lớn đối với các công ty Mỹ đang cố gắng bán máy kéo và những hàng hoá khác ra nước ngoài. Đó là một gánh nặng khổng lồ”, ông Trump bày tỏ với Bloomberg.

Vị cựu tổng thống đặc biệt đề cập đến đồng yen Nhật Bản và nhân dân tệ Trung Quốc. Kể từ tháng 3/2020, đồng USD đã bật tăng hơn 38% so với đồng yen và hơn 5% so với nhân dân tệ.

Bất chấp mong muốn của ông Trump, các ngân hàng Phố Wall đều tin rằng nếu ông tái đắc cử, nhiều khả năng đồng bạc xanh sẽ còn mạnh lên. Các chính sách kinh tế mà ông Trump dự kiến triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai chính là nguyên nhân.

Ông Trump tuyên bố sẽ gia hạn chương trình cắt giảm thuế mà ông ban hành vào năm 2017. Một chính sách tài khoá lỏng lẻo hơn sẽ buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao nhằm phòng ngừa lạm phát. Điều này dĩ nhiên sẽ hỗ trợ cho đồng USD.

Kế hoạch áp thuế quan lên hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ cũng tạo ra tác động tương tự. Từ cuối năm ngoái, ông Trump tiết lộ mình dự tính đánh thuế 60% lên hàng hoá Trung Quốc và 10% đối với hàng hoá nhập khẩu từ mọi quốc gia khác.

Tại cuộc vận động tranh cử ở bang North Carolina vào tuần trước, ông đã đổi ý. Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà thông báo ông dự định sẽ áp thuế quan lên đến 20%.

Trong một bài viết gần đây trên tờ Financial Times, chiến lược Ajay Rajadhyaksha của Barclays đánh giá: “Trên thực tế, mong muốn làm suy yếu đồng USD đi ngược lại rất nhiều mục tiêu tranh cử khác của ông Trump, chẳng hạn như thuế quan và cắt giảm thuế”.

Đồng USD đã duy trì sức mạnh đáng nể kể từ khi Fed tăng lãi suất vào đầu năm 2022. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Ông Trump còn lựa chọn nào khác?

Dù vậy, ông Trump vẫn còn một số lựa chọn khác để hiện thực hoá tham vọng của mình. Tuy nhiên, phương án nào cũng tiềm ẩn rủi ro riêng.

Lựa chọn rõ ràng nhất là can thiệp vào thị trường tiền tệ, bằng lời nói hoặc thông qua việc yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ bán ra USD. Tính đến tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ có khoảng 206 tỷ USD trong Quỹ ổn định tỷ giá hối đoái.

Song, số tiền đó quá nhỏ, không đủ để tạo ra sự khác biệt. Ông George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, đã xác nhận điều này với Bloomberg.

Theo vị chuyên gia, để hạ giá đồng bạc xanh một cách hiệu quả, Bộ Tài chính Mỹ cần phải bán ra “hàng nghìn tỷ USD” cũng như áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn khác.

Phương án thứ hai là yêu cầu Fed mua trái phiếu chính phủ của các nước khác, từ đó đưa USD vào lưu thông toàn cầu.

Nhưng việc làm tăng bảng cân đối kế toán của Fed có nguy cơ kích thích lạm phát - đây rõ ràng không phải điều mà Chủ tịch Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách muốn.

Lựa chọn thứ ba là làm cho khối nợ của Mỹ phình to hơn. Cái giá phải trả là một thị trường trái phiếu kho bạc biến động và áp lực lạm phát lớn hơn.

Nếu không, ông Trump có thể kêu gọi các quốc gia khác giúp làm suy yếu đồng USD. Nhưng cách làm này nhiều khả năng sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ.

Lần cuối cùng Mỹ làm như vậy là trong khuôn khổ Hiệp định Plaza năm 1985 và kết quả là nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào trạng thái trì trệ trong hàng thập kỷ.

 

Yên Khê

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.