|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đồng USD mạnh có gây hại cho các nhà sản xuất Mỹ như lời ông Trump nói?

10:14 | 29/07/2024
Chia sẻ
Cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng sức mạnh của đồng USD gây ra rắc rối lớn cho các nhà sản xuất Mỹ, nhưng gần đây Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã phản bác ý kiến đó.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Financial Times). 

Hai cách nhìn

Theo quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng USD mạnh mẽ đang gây tổn hại cho các nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định chuyện không đơn giản như những gì ông Trump nghĩ.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tuần trước, bà Yellen lưu ý tác động từ sức mạnh của đồng USD cần phải được đánh giá trong bối cảnh rộng. Bà cũng hạ thấp ảnh hưởng tiêu cực của thương mại quốc tế đến hoạt động chế tạo của Mỹ.

Bà Yellen chia sẻ vào ngày 26/7: “Đồng USD mạnh có thể cản trở xuất khẩu và hỗ trợ nhập khẩu. Nhưng còn rất nhiều điều khác có liên quan tới USD. Và bạn cần phải đặt câu hỏi, vì sao đồng USD lại mạnh?”

Sức mạnh của đồng USD là chủ đề nóng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, trong đó Đảng Cộng hòa là phía lên tiếng chỉ trích.

Bộ trưởng Yellen lập luận rằng các đạo luật của Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng, lĩnh vực bán dẫn, năng lượng xanh và xe điện đã tạo ra tác động đối trọng với USD và giúp ích cho ngành sản xuất.

Bà cho biết: “Nền kinh tế Mỹ rất mạnh mẽ. Chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư đều ở mức tốt. Các chính sách kinh tế mà Mỹ đã triển khai - bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, Đạo luật Giảm Lạm phát và nhiều chương trình khác - đang tạo ra rất nhiều việc làm trong ngành sản xuất”.

Bà Yellen cho rằng sức mạnh của nền kinh tế đã giúp Mỹ thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị của đồng bạc xanh. Các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm khống chế lạm phát cũng gây áp lực tăng giá đối với USD bởi chúng khiến lãi suất ở Mỹ cao hơn nhiều quốc gia khác.

 

Ngược lại, ông Trump khẳng định trong cuộc phỏng vấn khác với Bloomberg Businessweek rằng nước Mỹ có “vấn đề lớn về tiền tệ”. Ông tuyên bố: “Không ai muốn mua đồ của Mỹ bởi chúng quá đắt”.

Ông cũng lặp lại những lời cáo buộc trước đây rằng một số đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đang âm mưu giữ cho giá nội tê rẻ so với đồng USD để giành lấy lợi thế một cách không công bằng.

Thượng nghị sĩ J.D. Vance, ứng viên phó tổng thống của ông Trump, cho biết làm suy yếu đồng bạc xanh sẽ giúp ích cho các công ty sản xuất của Mỹ.

Tháng trước, sản lượng công nghiệp Mỹ - khoảng 75% trong số đó đến từ ngành sản xuất - đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Đầu tư của doanh nghiệp cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm.

Bà Yellen thừa nhận số việc làm trong nhà máy của Mỹ đã giảm dần trong hàng chục năm qua, nhưng lưu ý tỷ trọng của sản xuất trong GDP vẫn được duy trì ở mức tương đối ổn định. Nguyên nhân dẫn đến sự mất mát chủ yếu là sự cải thiện của năng suất lao động chứ không phải thương mại.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn nhắc lại nguy cơ các gói trợ cấp khổng lồ mà chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất trong nước có thể gây hại cho ngành sản xuất Mỹ.

Bà Yellen bày tỏ sự thất vọng khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 3 rằng họ sẽ tiếp tục ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất công nghệ cao bất chấp sự phản đối của một số quốc gia.

Nữ bộ trưởng cho hay: “Tôi không thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc có bất kỳ động thái nào để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giải quyết sự mất cân bằng của nền kinh tế. Họ không có biện pháp gì để tăng cường chi tiêu cho dịch vụ và vẫn tiếp tục đặt trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất tiên tiến công nghệ cao”.

Bà cũng bình luận rằng thị trường lao động Mỹ có vẻ mạnh mẽ, vững chắc, không quá nóng hay quá lạnh. Trong bối cảnh lạm phát quay về gần mục tiêu 2% của Fed, nữ bộ trưởng tin là rủi ro tới lạm phát và việc làm đã chuyển về hướng cân bằng hơn.

Giang