ByteDance yêu cầu TikTok tính đến trường hợp đóng cửa ở Mỹ
Giữa tháng tháng 8, Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance thoái sạch vốn khỏi TikTok tại Mỹ do lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng.
Microsoft và Oracle là hai trong số các công ty Mỹ đang thảo luận để mua lại TikTok. Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết ByteDance sẽ lựa chọn một công ty Mỹ để bước vào giai đoạn thảo luận độc quyền, sớm nhất vào ngày 28/8.
Trước đó, ngày 6/8, ông Trump đã công bố một sắc lệnh hành pháp khác cấm công dân Mỹ làm ăn với TikTok và công ty mẹ ByteDance, có hiệu lực sau 45 ngày.
Nguồn tin của Reuters cho biết, dù TikTok đã đệ đơn kiện để phản đối lệnh cấm trên, ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng cũng đang chuẩn bị cho khả năng phải đóng cửa tại thị trường Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận với người mua vào giữa tháng 9.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho hay, TikTok dự đoán việc đóng cửa (nếu xảy ra) chỉ mang tính tạm thời.
Thỏa thuận bán TikTok tại Mỹ sẽ phải được cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc bật đèn xanh. Kế hoạch dự phòng trong trường hợp phải đóng cửa còn nhằm mục đích chuẩn bị cho hoạt động toàn cầu của TikTok nếu một trong hai nước ngăn chặn thỏa thuận.
Nguồn tin của Reuters nói trong tuần này, ByteDance đã yêu cầu các kĩ sư của TikTok lên kế hoạch đóng cửa ứng dụng tại Mỹ.
ByteDance cũng đang lên kế hoạch riêng để chi trả cho nhân viên và đối tác của TikTok tại Mỹ trong trường hợp phải đóng cửa. Ngoài ra, TikTok cũng đóng băng hoạt động tuyển dụng tại Mỹ đối với hầu hết các vị trí do tình trạng bất ổn hiện tại và chỉ tiếp nhận 5% ứng viên mà công ty dự định tuyển dụng.
Theo nguồn tin, ByteDance coi việc chuẩn bị đóng cửa là một kế hoạch dự phòng, tuy nhiên ông lớn công nghệ Trung Quốc này đang hướng tới một thỏa thuận giúp TikTok tiếp tục hoạt động trơn tru tại Mỹ.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của TikTok cho hay: "Chúng tôi tự tin sẽ tìm ra một giải pháp đảm bảo cho TikTok có thể gắn bó lâu dài với hàng triệu người Mỹ, giúp họ giải trí, thể hiện bản thân và kết nối với nhau".
"Như các công ty có trách nhiệm khác, chúng tôi đang đồng thời xây dựng nhiều kế hoạch để đảm bảo nhân viên tại Mỹ được trả lương xứng đáng dù kết quả sau cùng như thế nào", người phát ngôn viên này nhấn mạnh.
Mặc dù TikTok nổi tiếng nhất với các video nhảy múa và hát nhép ngắn trong giới thanh thiếu niên, các quan chức Mỹ lại bày tỏ lo ngại rằng thông tin của người dùng có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
Kể từ đầu tháng 8, ByteDance cũng tiến hành đàm phán để bán luôn hoạt động của TikTok ở Canada, Australia và New Zealand. Giá trị của thỏa thuận dao động từ 25 tỉ đến 30 tỉ USD.
Hôm 27/8, Walmart cho biết họ đang hợp tác cùng Microsoft mua lại tài sản của TikTok ở Mỹ. Hãng bán lẻ Mỹ tiết lộ kế hoạch chỉ vài giờ sau khi CEO Kevin Mayer từ chức.
Nguồn tin thân cận của CNBC cho biết, trước khi bày tỏ ý muốn hợp tác với Microsoft trong thời gian gần đây, Walmart đã ngầm bắt tay với ông Marcelo Claure - CEO SoftBank và Alphabet - công ty mẹ của Google.