|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì căng thẳng Mỹ - Trung, người tạo ra TikTok mắc kẹt ở ngã ba đường

14:53 | 28/08/2020
Chia sẻ
Trương Nhất Minh, người tạo ra ứng dụng video ngắn TikTok, nuôi mộng xây dựng một công ty toàn cầu, đang "mắc kẹt" trong mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung.

Hồi tháng 7, khi đang ăn sáng ở nhà riêng tại Bắc Kinh, Trương Nhất Minh nhận tin nhắn. Một người bạn của ông gửi một đường dẫn với nội dung liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói virus corona đến từ Trung Quốc và Mỹ sẽ "phản ứng" bằng cách có thể cấm TikTok, ứng dụng video gây sốt mà ông Zhang sáng lập.

Nhất Minh thực sự bất ngờ. Sau đó, ông nói với những cộng sự rằng: "COVID-19 có liên quan gì đến TikTok?", WSJ viết. Kể từ thời điểm đó, tình hình trở nên bất lợi nhanh chóng.

'Mắc kẹt' giữa căng thẳng Mỹ - Trung, 'cha đẻ' TikTok ở ngã ba đường  - Ảnh 1.

Ông Trương Nhất Minh, Tổng giám đốc ByteDance, và Tim Cook, Tổng giám đốc Apple, gặp nhau tại Bắc Kinh năm 2018. Ảnh: Zuma Press

Đầu tiên, ông Trump yêu cầu ByteDance, chủ sở hữu TikTok, bán mảng vận hành tại Mỹ hoặc phải đối mặt với một lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc. Căn cứ chính phủ Mỹ đưa ra là những quan ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu mà TikTok thu thập.

Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc chỉ trích Nhất Minh vì không phản ứng với yêu cầu từ ông Trump. Cùng thời điểm, các nhà đầu tư Phương Tây của ByteDance muốn ông làm điều ngược lại: Chấp nhận và bán TikTok tại Mỹ.

Hồi đầu tuần này, ByteDance có "đòn phản công" đầu tiên khi đệ trình đơn kiện lên tòa án liên bang ở California để chống sắc lệnh hành pháp đến từ Nhà Trắng. Ngay sau đó, Kevin Mayer, giám đốc TikTok, đệ đơn từ chức sau vỏn vẹn 3 tháng. WSJ nói rằng những vấn đề liên quan đến chính trị đã khiến vai trò của Kevin Mayer thay đổi quá nhiều. ByteDance chiêu mộ Kevin Mayer từ Walt Disney để theo đuổi hành trình toàn cầu hóa.

Hâm mộ Thung lũng Silicon, Nhất Minh luôn muốn công ty do ông sáng lập trở thành một doanh nghiệp toàn cầu nhưng rõ ràng không phải là cách này khi nó sa vào vào mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung.

Hiện tại, TikTok đang nhận nhiều sự quan tâm của các công ty lớn ở Mỹ. Microsoft Corp., Twitter Inc., Oracle Corp. và Walmart Inc. có thể đều đang ngồi trên bàn đàm phán.

Những rắc rối mà ByteDance đang đối mặt chắc chắn không phải là những thứ Nhất Minh mong chờ. Nhất Minh có nhiều điểm khác biệt với thế hệ các nhà sáng lập công ty công nghệ thế hệ đầu ở Trung Quốc. Ông có lối sống khá hiện đại, thường mặc quần jeans và áo phông. Ông cũng ăn trưa ở căng-tin công ty và hâm mộ quan điểm "luôn là ngày đầu" của Amazon, hàm ý cho rằng ByteDance không bao giờ nên ngừng coi họ là một startup.

Sinh tại Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 1983, thời kì khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, Nhất Minh học kĩ thuật phần mềm tại một trường đại học ở Thiên Tân. Đây cũng là nơi ông gặp vợ và nổi tiếng là một "anh chàng biết sửa máy tính". Ông làm việc tại nhiều startup và có một thời gian ngắn làm việc ở một tập đoàn lớn là Microsoft vào năm 2008.

Dù vậy, ông chỉ làm việc ở Microsoft chưa tới một năm. Nhất Minh nói với truyền thông Trung Quốc rằng công việc ở Microsoft nhẹ nhàng đến nỗi ông dành một nửa thời gian để đọc sách.

'Mắc kẹt' giữa căng thẳng Mỹ - Trung, 'cha đẻ' TikTok ở ngã ba đường  - Ảnh 2.

Trương Nhất Minh có phong cách khác với nhiều doanh nhân công nghệ đời đầu ở Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press

Nhất Minh sáng lập ByteDance tại căn hộ ở Bắc Kinh vào năm 2012. Ngay từ đầu, ByteDance đã nuôi tham vọng toàn cầu mặc dù nhiều nhân sự chưa từng đi nước ngoài. 

"Phòng họp lớn nhất của chúng tôi cũng chỉ 10 mét vuông nhưng tham vọng thì rất lớn", ông nhớ lại.

Một trong những sản phẩm đầu tiên ByteDance tung ta là ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao. Không có kinh nghiệm ở mảng thông tin truyền thông nhưng Nhất Minh biết lập trình. Jinri Toutiao  sử dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý tin tức dựa trên thói quen đọc.

Jinri Toutiao từng nhận hơn 100 đơn kiện từ các cổng thông tin trực tuyến và báo trí truyền thống. Trong một vài trường hợp, ByteDance đã phải đền bù cho các đơn vị sáng tạo nội dung vì sử dụng nội dung khi chưa được cho phép. ByteDance cho biết công ty đã "gặp phải nhiều rắc rối" liên quan đến luật bản quyền ở Trung Quốc trong những năm đầu và kể từ đó đã hợp tác với nhiều trang tin.

Năm 2014, chuyến đi tới California vào năm của Nhất Minh càng củng cố quyết tâm xây dựng một công ty toàn cầu. Cùng một nhóm các doanh nhân Trung Quốc trẻ, ông tới thăm Facebook, Tesla và gặp nhiều nhân vật nổi tiếng như ông Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo. Ông cảm thấy các doanh nhân Trung Quốc cũng có thể cạnh tranh trên sân chơi lớn.

TikTok chứng tỏ Nhất minh hoàn toàn đúng. Vận hành nhờ những thuật toán có thể gợi ý video chính xác và hấp dẫn, TikTok trở thành một hiện tượng toàn cầu. Nó đã được tải về hơn 2 tỉ lần trên toàn thế giới, theo Sensor Tower. ByteDance, hiện vẫn là công ty tư nhân, đang có định giá 100 tỉ USD.

Bên cạnh việc là ứng dụng đại trà đầu tiên từTrung Quốc đạt thành tích lớn ở các nước Phương Tây, TikTok, khác nhiều ứng dụng thành công khác trước đây, không bị cáo buộc sao chép công nghệ của một công ty nào đó.

'Mắc kẹt' giữa căng thẳng Mỹ - Trung, 'cha đẻ' TikTok ở ngã ba đường  - Ảnh 3.

Trụ sở TikTok ở Bắc Kinh. Ảnh: Zuma Press

Công nghệ từng là một lĩnh vực mà Mỹ - Trung có thể hợp tác song gần đây nó nổi lên như tuyến đầu trong căng thẳng quan hệ giữa 2 nước. TikTok, cùng Huawei và WeChat, đang phải đối mặt mới lệnh cấm của ông Trump.

Chính phủ Trung Quốc sẽ ngày càng coi TikTok là một công ty quan trọng về mặt chiến lược, ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nói. Tầm quan trọng nằm ở lượng dữ liệu lớn nó sở hữu và khả năng "học sâu" cũng như trí tuệ nhân tạo.

ByteDance ra mắt TikTok năm 2017 và sau đó thâu tóm Musical.ly để mở đường tiến vào Mỹ. Tại một diễn đàn ở Đại học Thanh Hoa vào tháng 3/2018, Nhất Minh khẳng định ứng dụng sẽ có nhiều người dùng bên ngoài Trung Quốc hơn người dùng nội địa trong vòng 3 năm.

Vài tuần sau diễn đàn đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu đóng một ứng dụng chia sẻ chuyện cười do ByteDance phát hành vì các nội dung "người lớn".

Nhất Minh phản ứng lại bằng một bài đăng dài trên mạng xã hội để xin lỗi và hứa sẽ tăng cường năng lực kiểm duyệt ở công ty.

Khi mở rộng ra quốc tế, TikTok cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến các nhà quản lý. Giới chức Mỹ, Hà Lan và Pháp đang bắt đầu điều tra khả năng bảo vệ dữ liệu người dùng của TikTok.  Hồi tháng 6, TikTok cùng nhiều ứng dụng Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ. Cơ quan điều hành viễn thông Hàn Quốc cũng phạt TikTok do không thể quản lý dữ liệu người dùng dưới 14 tuổi hồi tháng 7.

Mới đây, WSJ nói rằng TikTok đã theo dõi người dùng bằng một cách mà Google cấm trong hơn 1 năm. Cách này cho phép TikTok thu thập các mã số định danh từ triệu thiết bị di động mà không cho phép người dùng lựa chọn khác. TikTok khẳng định đã dừng hành vi nói trên.

Đáp lại quan ngại của ông Trump, ByteDance khẳng định không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và cũng sẽ không làm vậy nếu Bắc Kinh yêu cầu.

Cuối năm ngoái, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ khởi động điều tra ByteDance và TikTok để đảm bảo chúng không mang lại các rủi ro bảo mật. Ông Zhang đã tìm đến Brad Smith, Chủ tịch Microsoft và Satya Nadella, Tổng giám đốc Microsoft để xin lời khuyên liên quan đến cách xử lý các quan ngại về bảo mật và lấy niềm tin từ giới chức, theo WSJ.

WSJ cho biết những cuộc gặp ấy khiến TikTok đưa ra quyết định mở một trung tâm ở Los Angeles và hoạt động độc lập với ứng dụng chính. Nó cũng chính là điểm bắt đầu của đàm phán mua lại mà hai bên đang thực hiện.

Nhất Minh dành rất nhiều thời gian trên máy bay trong năm ngoái. Năm nay, ông chủ yếu ở Trung Quốc vì COVID-19. Ông vẫn sống theo giờ Mỹ và thường xuyên trao đổi với các nhà đầu tư bên kia đại dương.

WSJ nói rằng, thời gian gần đây, Nhất Minh chấp nhận thực tế rằng một thương vụ bán mảng vận hành ở Mỹ là khó có thể tránh khỏi. Trong một thông điệp gửi tới nhân viên, ông chia sẻ: "Đừng để tâm đến những khen ngợi hay mất mát ngắn hạn, hãy kiên trì làm điều đúng đắn".

Thái Sơn