BVSC: VN-Index cuối quý IV có thể thấp hơn cuối quý II
Nhà đầu tư đã dần làm quen với diễn biến chiến tranh thương mại
Theo báo cáo chiến lược 9 tháng đầu năm 2018 của CTCP Chứng khoản Bảo Việt (BVSC), tính đến nay, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã leo thang khá rõ rệt so với thời điểm cách đây khoảng 4 - 5 tháng. Tuy đã có khá nhiều cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại lên thị trường chứng khoán Việt Nam, BVSC cho rằng do nhà đầu tư đã dần làm quen với diễn biến này nên mức độ ảnh hưởng lên tâm lý thị trường đã giảm đi so với những tháng trước.
Tác động của các sự kiện chiến tranh thương mại từ tháng 8 trở lại đây lên VN-Index và các chỉ số chứng khoán của Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong không còn quá rõ rệt.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại có thể tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên chứng khoán Việt Nam thông qua các yếu tố cơ bản thiên về kinh tế và sản xuất.
Phân tích kỹ hơn về những mặt hàng Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau, BVSC nhận ra được những điểm lợi mà doanh nghiệp Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này.
Điển hình như dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi. Tính đến 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị là 12,7 tỷ USD, tương đương với gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.
Việc các sản phẩm dệt may của Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu đã tạo đà cho các sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh chiếm thị phần do giá cả cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, việc đồng NDT mất giá mạnh so với đồng USD và VND đã làm cho chi phí nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trở nên rẻ hơn, góp phần tăng biên độ lợi nhuận và khả năng cạnh tranh giá. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi có thể chỉ ở mức vừa phải, do một số doanh nghiệp dệt may đã hoạt động ở công suất tối đa.
Vì vậy nếu gia tăng sản xuất, họ sẽ phải thuê gia công ở ngoài, gây tăng chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nếu có sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, thì Việt Nam có thể được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI làm địa điểm thay thế. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có thể được hưởng lợi đáng kể.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối diện một số rủi ro như khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc mượn Việt Nam như một nước trung chuyển để từ đó xuất khẩu sang Mỹ, do đó doanh nghiệp Việt Nam có thể rơi vào tầm ngắm của Mỹ nếu Mỹ nghi ngờ đó là sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán có thể diễn biến không tích cực như quý III
Đánh giá về diễn biến thị trường chứng khoán trong ba tháng cuối năm, về mặt tích cực, BVSC cho rằng các chỉ số vĩ mô của năm 2018 nhiều khả năng đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra đầu năm.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tiếp tục có cải thiện, đặc biệt ở các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, dệt may và thủy sản.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong ba tháng cuối năm cũng đối diện nhiều yếu tố mang tính rủi ro hiện hữu như: biến động của đồng USD, đồng Nhân Dân Tệ, rủi ro lạm phát khiến Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng.
Bên cạnh đó, việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất theo đúng lộ trình có thể tiếp tục mang đến rủi ro cho đồng tiền các nước mới nổi, khiến ngân hàng trung ương nhiều nước phải nâng lãi suất.
Mặt bằng lãi suất cao hơn ở nhiều nước đang được hình thành, đây cũng là một sức ép với mặt bằng lãi suất trong nước. Theo BVSC, lãi suất tăng là thông tin không tích cực đối với thị trường chứng khoán.
BVSC cho rằng, trong quý IV thị trường chứng khoán có thể diễn biến không tích cực như quý III, chỉ số có thể đóng cửa ở mức điểm thấp hơn cuối quý II.
Ở phiên giao dịch cuối cùng của quý II (29/6), VN-Index đóng cửa ở 960,78 điểm. Phiên cuối quý III (28/9), chỉ số dừng ở 1.017,13 điểm. Kết phiên hôm nay 16/10, chỉ số dừng ở 963,37 điểm.