Bùng nổ kỉ nguyên thương mại điện tử ở nước Nga
Trong thế giới mua sắm trực tuyến, mặc dù sự gia nhập của “xứ Bạch dương” có phần muộn hơn so với những quốc gia phát triển khác, song hoạt động thương mại điện tử tại đây đang tạo ra một sự bùng nổ, bất chấp xu hướng phát triển trì trệ của nền kinh tế vốn đang bị đè nặng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
* Thay đổi thị hiếu tiêu dùng
Theo một nghiên cứu của hãng Data Insight, tăng trưởng kinh tế Nga chỉ đạt 0,7% trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, quy mô thương mại điện tử ở nước này lại tăng đến 26%, lên mức 725 tỷ ruble (rúp) tương đương 11,3 tỷ USD.
Tính đến thời điểm này, đây vẫn là lĩnh vực phát triển nhanh chóng tại Nga, bất chấp những rào cản về hậu cần tại một trong những quốc gia có diện tích rộng lớn nhất thế giới, trong đó có những dịch vụ bưu chính không đáng tin cậy. Khoảng cách xa và mật độ dân số thấp đã khiến thương mại điện tử trở nên hấp dẫn - và đôi khi là lựa chọn duy nhất - ở Nga.
Ngay cả ở thủ đô Moskva giàu có, nơi các trung tâm mua sắm cung cấp nhiều món hàng tiêu dùng với khối lượng khổng lồ, nhiều người vẫn lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến để tránh gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Ozon, một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga, khởi đầu kinh doanh là một cửa hàng sách trực tuyến - giống như “gã khổng lồ” toàn cầu Amazon - và sau đó mở rộng sang các loại hàng hóa khác.
Trong một chuyến tham quan gần đây trong các văn phòng của Ozon tại khu trung tâm thương mại của Moskva, Giám đốc điều hành Alexander Shulgin đã cho biết tiềm năng phát triển của thương mại điện tử ở Nga là rất lớn.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng thương mại điện tử sẽ có tiềm năng phát triển khổng lồ ở Nga, tạo ra những thay đổi mang tính biến đổi cho đất nước", Giám đốc Shulgin nói, đồng thời ông cũng chỉ ra rằng hiện tại Nga có đến 95 triệu người dùng Internet trực tuyến.
Trong nửa đầu năm nay, số đơn đặt hàng trực tuyến đã tăng 44%, đạt mức 191 triệu đơn.
Tại một trung tâm hậu cần ở thị trấn Tver, nằm cách Moskva khoảng 180 km về phía Tây Bắc, các nhân viên của Ozon đang bận rộn đẩy xe quanh các lối đi khi họ chuẩn bị chuyển hàng cho khách hàng trên khắp nước Nga.
"Trung tâm xử lý hơn 100.000 kiện hàng mỗi ngày và có khoảng 2.000 người làm việc ở đây hàng ngày", Ivan Popov, Phó Giám đốc hậu cần tại Ozon nói.
Quy mô hoạt động của bộ ba nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất nước Nga bao gồm Ozon, Wildberries và hiệu thuốc trực tuyến Apteka.ru đã tăng trưởng 107% so với nửa đầu năm ngoái.
Giám đốc Shulgin nói rằng hoạt động mua sắm trực tuyến đã cho phép những người Nga sống ở các địa điểm xa xôi tiếp cận với hàng triệu sản phẩm với giá cả phải chăng.
Bên cạnh diện tích khổng lồ, điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nga cũng được coi là một "lợi ích" cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
"Khi có mưa, tuyết hoặc trời lạnh, mọi người thích mua sắm trực tuyến, vì vậy (Nga) là một quốc gia lý tưởng", ông Shulgin nói. Cũng theo nhà lãnh đạo này, hiện nay tại Nga, thị trường thương mại điện tử đã bị phân mảnh và chỉ chiếm 6% tổng doanh số bán lẻ. "Vì vậy, cơ hội phát triển là rất lớn".
* Tạo ra sự chuyển giao quyền lực
Cùng với Ozon, đối thủ cạnh tranh Wildberries cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây, góp phần đưa người sáng lập Tatyana Bakalchuk - một bà mẹ 44 tuổi - trở thành nữ tỷ phú thứ hai ở Nga, theo Forbes.
Nữ tỷ phú Bakalchuk từng là cựu giáo viên tiếng Anh trước khi thành lập công ty Wildberries vào năm 2004 ở tuổi 28 trong căn hộ ở Moskva của cô khi đang nghỉ thai sản.
Ý tưởng kinh doanh thông qua hình thức thương mại điện tử này đã nảy sinh sau những lần cô phải cố gắng đi mua sắm tại các cửa hàng truyền thống với một đứa trẻ sơ sinh.
Ban đầu chỉ tập trung vào giày và quần áo, Wildberries hiện đã mở rộng sang các lĩnh vực thực phẩm, sách, đồ điện tử và các sản phẩm y tế, cung cấp 15.000 nhãn hiệu.
Vào tháng 3/2019, Wildberries đã trở thành trang web thời trang thương mại điện tử được truy cập nhiều thứ ba trên thế giới, sau H & M và Macy's, theo một nghiên cứu của công ty phân tích tiếp thị SEMrush.
Hiện, Wildberries đã có mặt ở các nước Liên Xô cũ như Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia, bên cạnh kế hoạch mở rộng đến khu vực Trung Âu và hiện công ty này cũng đang xây dựng một trung tâm hậu cần ở Slovakia.