Thương mại điện tử cuối năm: săn mã giảm giá, chơi game tích điểm
Các sàn thương mại điện tử lôi kéo khách bằng nhiều trò chơi giải trí - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Để khởi động cho lễ hội mua sắm lớn nhất năm - chiến dịch 11-11, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang triển khai nhiều chương trình nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Bên cạnh mức giảm 50-70%, nét mới của sự kiện khuyến mãi trực tuyến 11-11 năm nay là các sàn thương mại điện tử tập trung vào trải nghiệm mua sắm giải trí tốt nhất cho người dùng, trong đó đáng chú ý là tính năng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment).
Mua sắm kết hợp với giải trí
Với hình thức này, người dùng có nhiều cách thức thú vị để lấy mã giảm giá thông qua các hoạt động tương tác trên mạng xã hội. "Ước tính có khoảng 10.000 mã giảm giá với tổng giá trị giải thưởng lên đến 300 triệu đồng trong một chương trình quy tụ những ngôi sao "hot" nhất trên thị trường hiện nay", đại diện một sàn thương mại điện tử cho biết.
Sở hữu smartphone đời mới nhất nhưng chị Mai (40 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết rất hiếm khi tải các ứng dụng giải trí. Nhưng từ khi bắt đầu làm quen với các ứng dụng mua sắm thương mại điện tử , chị Mai cũng được "huấn luyện" săn mã giảm giá trên các sàn này bằng cách chơi game tích điểm. Với các kênh mua sắm truyền thống, khách hàng được giữ chân bằng cách tích lũy điểm thưởng qua doanh số mua hàng thì với sàn thương mại điện tử , các trò chơi tương tác mang tính năng giải trí cao chính là "chiêu" giữ chân người dùng hiện nay.
"Ban đầu là muốn mua hàng với giá rẻ hơn, các game cũng khá dễ chơi nhưng dần dần vào các buổi trưa rảnh rỗi, tôi cứ vào các ứng dụng này chơi game như một món giải trí, giải tỏa căng thẳng..." - chị Mai nói, đồng thời cho biết các đồng nghiệp trẻ của chị còn "săn" giỏi nhờ nhanh nhạy trong các trò chơi, tích lũy được nhiều điểm thưởng.
Đây là một trong những mô hình mới được áp dụng của các sàn thương mại điện tử, gọi là mua sắm kết hợp giải trí - shoppertainment. Đại diện Lazada cho biết trong dịp khuyến mãi tổ chức sinh nhật của sàn này hồi tháng 3-2019, thống kê ghi nhận được trung bình mỗi khách hàng đăng nhập vào ứng dụng này 6 lần mỗi ngày để tham gia các trò chơi trên LazGame và săn mã giảm giá.
Ông Chris Feng, giám đốc điều hành của Shopee, cũng cho rằng giá trị cốt lõi của sàn này là mua sắm, nhưng mục tiêu của sàn là cả gia đình có thể cùng lên sàn để mua sắm, nên giải trí cũng là yếu tố không thể thiếu. Shopee hiện đang sở hữu một kho game giải trí có tính "địa phương hóa" rất cao, giúp ứng dụng này nhanh chóng trở thành sàn thương mại được truy cập nhiều nhất, theo xếp hạng của iPrice Insight.
Nhưng hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo
Trang iPrice Insight cho rằng xu thế đưa yếu tố giải trí vào hoạt động mua sắm trực tuyến đang được các sàn thương mại điện tử tập trung đầu tư nhờ sự phát triển của ứng dụng di động. Nếu như những năm trước, cứ đến mỗi mùa khuyến mãi, các sàn thương mại điện tử lại đau đầu vì câu chuyện nghẽn mạch, quá tải truy cập thì hiện nay mối bận tâm của họ lại khác. Đó là làm sao lôi kéo người dùng đến mua sắm trên ứng dụng lâu hơn.
Các hình thức game, ưu đãi giá, hoạt động âm nhạc, gặp gỡ người nổi tiếng... chỉ nhằm tăng độ trung thành khách hàng bên cạnh hoạt động mua sắm. Ông Minh Bùi, chuyên gia thương mại điện tử, cho rằng nhằm đạt mục tiêu kinh doanh, lôi kéo cũng như giữ chân khách hàng, các sàn thương mại điện tử hiện nay không đơn thuần là nơi bán hàng mà trở thành ứng dụng giải trí, tìm cách giữ chân người dùng bằng kho trò chơi phong phú.
Tuy nhiên, dù cuộc đua có "hào nhoáng" đến đâu, bản chất của các lễ hội mua sắm vẫn là mua hàng hóa nên yếu tố để người dùng hài lòng, quay trở lại mua sắm cho những đợt tiếp theo chính là chất lượng hàng hóa, dịch vụ giao hàng. Thực tế, sau các lễ hội mua sắm gần đây đều xuất hiện hàng loạt khiếu nại của khách hàng đến từ chất lượng hàng hóa như giao hàng sai, hàng bị lỗi, đến khi đổi trả rất phiền phức, đó là chưa kể nhiều đơn hàng bị hủy một cách vô cớ.
Ông Ryan Wilber, giám đốc cấp cao performance marketing của Tiki, cho rằng mức độ hiệu quả trong hoạt động của đơn vị thương mại điện tử không chỉ thể hiện qua lượt truy cập mà còn là chỉ số hài lòng về các sản phẩm, dịch vụ đi kèm tăng trưởng doanh số hay đơn hàng.
"Có nhiều tham số để đánh giá hiệu quả của một sàn thương mại điện tử qua mỗi mùa khuyến mãi. Lượng truy cập liệu có phải đích đến cuối cùng? Các yếu tố như tỉ lệ thanh toán tiền mặt có cải thiện qua mỗi năm hay không? Việc kiểm soát nhà bán hàng, chất lượng hàng hóa trên sàn, thời gian giao hàng đúng như kỳ vọng... mới quyết định sự ở lại của khách hàng", ông Ryan Wilber nói.
Tăng trưởng cao nhất 3 năm gần đây
Số liệu thống kê tại Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 cho thấy quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ - B2C (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) của VN năm 2018 ước đạt 8,06 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2017. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, khi mà tỉ lệ tăng trưởng này của năm 2016 là 23% và năm 2017 là 24%.
Cũng theo thống kê này, số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, tăng 6,3 triệu người so với năm 2017. Trung bình mỗi người Việt chi khoảng 202 USD mua sắm trực tuyến, tăng khoảng 16 USD so với năm 2017. Tuy vậy, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2018 cũng chỉ mới chiếm tỉ trọng khoảng 4,2% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.