WhatsApp bổ sung tính năng mua sắm, tích hợp sàn thương mại điện tử
Hôm 7/11, WhatsApp đã bắt đầu tích hợp thêm danh mục sản phẩm trong ứng dụng nhắn tin với mục đích xây dựng thêm sàn thương mại điện tử trên nền tảng của họ. Facebook cũng đã xác nhận thông tin đó trên một bài trên mạng xã hội.
Năm 2014, Facebook mua WhatsApp với giá 19 tỉ USD. Hiện tại, Facebook đang tìm cách gia tăng doanh thu từ các công ty con như Instagram và WhatsApp khi hai nền tảng đang sở hữu tới 1,5 tỉ người dùng.
Facebook vẫn đem về doanh thu cao nhất cho công ty, nhưng hiện tại nền tảng lớn nhất của họ đang gặp khó khăn trong việc tìm người dùng mới, Reuters đưa tin.
Động thái tích hợp tính năng mua sắm vào WhatsApp không quá bất ngờ đối với người dùng. Trước đó vào tháng 3/2019, Facebook cũng tích hợp tính năng này vào Instagram.
Trên Instagram, người dùng có thể nhấp vào món hàng họ thích để mua và thanh toán trực tiếp qua ứng dụng.
WhatsApp sẽ tích hợp thêm tính năng thương mại điện tử trên ứng dung. Ảnh: Reuters
Với trường hợp của WhatsApp, đa phần người dùng WhatsApp bản Business đều là công ty, doanh nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, người dùng có thể trực tiếp mở một "cửa hàng" ngay trên WhatsApp của họ với giá và các điều khoản hiển thị công khai trên ứng dụng.
"Chúng tôi đang mở ra một chương mới cho thương mại điện tử. Chúng tôi hiểu rằng mọi người thường trao đổi về buôn bán, kinh doanh rất nhiều trên nền tảng. WhatsApp là nơi gặp gỡ khách hàng, chứ không phải là một website nào đó", Amrit Pal, giám đốc sản phẩm của WhatsApp, cho hay.
Vài năm gần đây, tỉ phú Mark Zuckerberg đã công bố chiến lược mới của công ty, chuyển hướng sang việc tập trung vào phát triển tính năng nhắn tin, đồng thời tạo ra những hệ thống trả lời tin nhắn tự động.
Những hệ thống này sẽ giúp rất nhiều cho những người kinh doanh, buôn bán. Họ có thể giao tiếp tốt hơn với khách hàng thông qua các nền tảng của Facebook.
Năm ngoái, Facebook đã bắt đầu thu phí trên WhatsApp thông qua một phiên bản nâng cao. Những đối tượng chịu phí là những người kinh doanh, sử dụng WhatsApp để chăm sóc khách hàng và marketing sản phẩm.
Cụ thể, Facebook sẽ chỉ thu tiền khi giao dịch thành công. Số tiền thu về cho mỗi giao dịch là 0,05 USD - 0,09 USD tùy quốc gia.
Theo một phát ngôn viên của WhatsApp, chỉ hơn 100 doanh nghiệp sử dụng nền tảng trả phí. Trong khi đó số lượng doanh nhân sử dụng bản miễn phí lên tới 5 triệu. Doanh thu cụ thể từ WhatsApp thông qua thu phí tin nhắn không được Facebook tiết lộ.
Brian Acton và Jan Koum rời WhatsApp vì không có cùng quan điểm kinh doanh với Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters
Hiện tại, tính năng mua sắm của WhatsApp hiện đã được triển khai ở Brazil, Ấn Độ, Đức, Indonesia, Mexico, Vương quốc Anh và Mỹ. Đại diện WhatsApp xác nhận tính năng thương mại điện tử sẽ nhanh chóng triển khai trên toàn thế giới trong vài tuần tới.
Năm 2014, Facebook đã thâu tóm WhatsApp với giá 19 tỉ USD. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg với hai nhà đồng sáng lập WhatsApp là Brian Acton và Jan Koum đã rạn nứt nhanh chóng.
Trong một bài phỏng vấn tờ Forbes, Brian Acton cho rằng quan điểm kinh doanh của ông rất rõ ràng khi không muốn chèn quảng cáo vào ứng dụng. Trong khi đó việc chèn quảng cáo lại chính là cách kiếm tiền chủ yếu của Facebook.
Không thể hàn gắn những mâu thuẫn, Brian Acton đã quyết định nghỉ việc tại Facebook vào năm 2017 và Jan Koum cũng rời công ty 1 năm sau đó.