Facebook, Google và Apple bị cáo buộc tiếp tay cho nạn buôn người
Theo BBC, nếu lái xe trên đường phố ở Kuwait (một quốc gia Trung Đông), bạn sẽ khó có thể nhìn thấy bất cứ người phụ nữ nào. Tuy nhiên, nếu có trong tay một chiếc smartphone, bạn có thể dễ dàng cuộn qua hàng nghìn bức ảnh của họ trên các ứng dụng mua bán.
Chúng được phân loại rõ ràng và luôn sẵn sàng để bạn có thể mua họ với giá vài nghìn USD. Một cuộc điều tra của BBC News cho thấy những người lao động, giúp việc nhà tại đây đang bị mua và bán bất hợp pháp trên Internet trong một thị trường chợ đen.
Trong đó, nhiều giao dịch đã được thực hiện trên trang mạng xã hội Instagram, thuộc sở hữu của Facebook. Tại đây, bài đăng được quảng bá thông qua các hashtag và giá cả sẽ được đàm phán bằng những tin nhắn riêng tư.
Một số khác được quảng bá trong các phần mềm trên kho ứng dụng CH Play của Google và App Store của Apple, cũng như một số nền tảng thương mại điện tử.
Danh sách hàng nghìn phụ nữ bị mua bán trên chợ đen. Ảnh: BBC.
Thị trường mua bán người sôi động
“Những điều mà các công ty này đang làm là hành vi thúc đẩy cho thị trường buôn bán người trực tuyến. Nếu Google, Apple, Facebook hay bất cứ công ty nào khác đang cho phép các hoạt động này diễn ra trên nền tảng của họ, họ phải chịu trách nhiệm với chúng”, Urmila Bhoola, báo cáo viên của Liên Hợp Quốc về các hình thức nô lệ hiện đại cho biết.
Sau khi được thông báo về vấn đề này, Facebook cho biết đã chặn một số hashtag có liên quan đến chúng. Trong khi đó, Google và Apple nói rằng đang làm việc với các nhà phát triển ứng dụng để ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp này.
Tuy nhiên, BBC cho biết còn nhiều danh sách buôn bán người khác vẫn đang hoạt động trên Instagram cũng như nhiều ứng dụng, phần mềm trên App Store và CH Play.
9 trong số 10 ngôi nhà tại Kuwait đều sở hữu một người giúp việc trong gia đình. Những người này đến từ những quốc gia nghèo hơn, nhằm kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình họ.
Bà Bhoola gọi đây là thị trường nô lệ hiện đại. Ảnh: BCC.
Đóng giả là một cặp vợ chồng mới đến Kuwait, nhóm phóng viên của BBC đã nói chuyện với 57 người và tiếp xúc được hơn 10 người đang cố gắng bán cho họ những người giúp việc thông qua một ứng dụng có tên 4Sale.
Những người phụ nữ làm công việc này hầu như đều bị thu giữ hộ chiếu, bị nhốt trong nhà và họ không được phép sử dụng điện thoại. Ứng dụng 4Sale trên cho phép tìm kiếm người lao động theo chủng tộc, với các khung giá khác nhau.
“Lao công châu Phi, sạch sẽ và thân thiện”, một danh sách mô tả.
Vi phạm nhân quyền
Nhóm phóng viên liên tục bị thúc giục bởi những người dùng ứng dụng này. Họ hành động giống như là “chủ sở hữu” của những người phụ nữ kia. Thậm chí, họ không cho phép người giúp việc nghỉ ngơi dù chỉ “một ngày hoặc một vài phút”.
“Hãy tin tôi, cô ấy rất tốt. Cô ấy hay cười và có khuôn mặt vui vẻ. Ngay cả khi bạn yêu cầu cô ấy làm việc đến 5h sáng, cô ấy cũng sẽ không phàn nàn”, một người đàn ông nói với phóng viên BBC.
Người này cũng cho biết những người giúp việc tại đây bị mua bán giống như những món hàng để "chủ sở hữu" kiếm lợi. “Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp ai đó mua người giúp việc với giá 2.000 USD và sau đó bán cô ấy với giá 3.300 USD”, người này nói.
Nhóm phóng viên của BBC tiếp cận với một người đàn ông đang chào bán người giúp việc. Ảnh: BBC.
Nhóm nhóm viên gặp một cô gái 16 tuổi, có tên Fatou (tên nhân vật đã bị thay đổi). Fatou bị bán từ Guinea (một quốc gia ở Tây Phi) và đã được mua để làm giúp việc ở Kuwait trong 6 tháng. Trong khi đó, luật phát của Kuwait yêu cầu lao động trong nước phải trên 21 tuổi.
Người bán Fatou nói rằng cô gái này không có thời gian nghỉ, hộ chiếu và điện thoại đều đã bị lấy đi. Fatou cũng không được phép rời khỏi nhà một mình. Tất cả hành vi trên đều bất hợp pháp tại Kuwait.
“Đây là ví dụ điển hình của chế độ nô lệ hiện đại. Chúng tôi thấy một đứa trẻ đang bị bán và giao dịch như một món hàng”, bà Bhoola nói.
“Địa ngục thực sự”
Mỗi năm, hàng trăm phụ nữ bị buôn bán từ Guinea đến các nơi khác để làm công việc giúp việc. “Kuwait là địa ngục thực sự”, một người giúp việc nói. Người này cho biết trước đây cô từng phải ngủ cùng những con bò trong chuồng. “Không được ngủ, không thức ăn, không có gì cả”, người này nói.
Fatou sau đó đã được chính quyền Kuwait phát hiện và đưa đến nơi cư trú do chính phủ điều hành. Hai ngày sau, cô bị trục xuất về Guinea vì vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên.
Fatou bị bán từ Guinea và trở thành giúp việc tại Kuwait trong 6 tháng. Ảnh: BBC.
“Họ thường la mắng tôi và coi tôi như một con vật. Họ đánh đập, làm tôi đau khổ nhưng tôi không thể làm gì khác”, Fatou nói về khoảng thời gian 6 tháng làm việc tại 3 hộ gia đình ở Kuwait.
Hiện tại, cô đã trở lại trường học ở Conakry. “Tôi rất hạnh phúc. Cuộc sống hiện tại của tôi đã tốt hơn nhiều. Tôi cảm thấy mình vừa trở về từ chế độ nô lệ”, Fatou nói.
Chính phủ Kuwait nói rằng họ đang "tìm cách chống lại những hành vi này" và khẳng định các ứng dụng giống như 4Sale sẽ "được xem xét kỹ lưỡng". Tuy nhiên, cho đến nay, không có nhiều thay đổi đáng kể trên nền tảng này. Người phụ nữ rao bán Fatou không hề bị xử lý.
Facebook cho biết họ đã cấm hashtag #maidsfortransfer (tạm dịch: chuyển nhượng người giúp việc). "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn hành vi này trên nền tảng của chúng tôi", một phát ngôn viên của Facebook cho biết.
Fatou hiện đã trở về trường học. Ảnh: BBC.
Trong khi đó, Google lại tỏ ra "bối rối trước những cáo buộc trên". "Chúng tôi đang tích cực làm việc với các nhà phát triển ứng dụng để đảm bảo có thể ngăn chặn hoạt động này", đại diện công ty này cho biết.
Về phía Apple, công ty cho biết họ "nghiêm cấm" việc quảng cáo buôn bán người và khai thác thông tin trẻ em trong các phần mềm có sẵn trên kho ứng dụng.
"Chúng tôi đã làm việc với các nhà phát triển ứng dụng để khắc phục ngay lập tức khi vấn đề được phát hiện. Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ xóa những phần mềm này khỏi kho ứng dụng", đại diện Apple cho biết.