'Bóng hồng' kiểm toán: Tôi không sợ làm việc với đàn ông quyền lực
Trong đời làm kiểm toán, bà Nguyễn Thuỳ Dương (sinh năm 1978) - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam đã không ít lần bị những người đàn ông quyền lực trong giới ngân hàng gây sức ép. Dẫu vậy, bà vẫn là người phụ nữ "có duyên" với những lĩnh vực vốn là lãnh địa của đàn ông.
Bà cũng là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được Ernst & Young (EY) - một trong bốn "Big 4" hàng đầu thế giới về kiểm toán bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp cao ở khu vực. Trong giới Fintech (tài chính công nghệ) vốn ít nữ giới, bà cũng là một trong 15 người có ảnh hưởng ở Việt Nam. Hình ảnh bà là điều phối những toạ đàm toàn các diễn giả nam hay là nữ giám khảo duy nhất tại một cuộc thi về tài chính công nghệ đã không còn xa lạ.
- Đứng giữa những người đàn ông quyền lực và tài năng như thế, bà thấy thế nào?
- Đúng là không ít lần khi đi họp ở các hội nghị lớn, khi bước vào, tôi nhanh chóng nhận ra trong phòng họp mình là người phụ nữ duy nhất. Như mới đây nhất là hội nghị về số hóa dịch vụ ngân hàng ở Mumbai, Ấn Độ (tháng 5/2019), tôi vào khán phòng, nhìn quanh thì thấy toàn là nam giới cả.
Tại một số cuộc họp ở EY, nhiều khi cũng mình tôi là nữ. Ở CLB Fintech Việt Nam cũng vậy. Có lẽ tôi có duyên với đàn ông chăng?
Thú thực, tôi thấy may mắn và tự hào khi được làm việc với họ, trong đó có rất nhiều lãnh đạo cấp cao ngân hàng mà tôi thấy họ thực sự rất giỏi, tôi học hỏi được rất nhiều từ họ.
Bản thân là phụ nữ nhưng tôi thích làm việc với sếp nam hơn. Nhưng ngược lại, các nhân viên nam nói họ thích làm với tôi hơn đàn ông. Có thể họ cũng nịnh đấy, nhưng tôi nghĩ còn vì tính tôi... quá đàn ông (Cười). Tôi đã quyết định gì là không thay đổi, một là một, hai là hai, đã làm thì không quay đầu nhìn lại và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
- Vậy thành thật mà nói, trường hợp nào bà đã lấn át đàn ông trong công việc?
- Trước đây nhiều năm, cũng có nam giới, thậm chí là sếp, tỏ ra không phục tôi khi mới làm việc vì bề ngoài nhìn tôi vừa trẻ vừa nhắng nhít. Nhiều khách hàng tôi đến gặp lần đầu còn tưởng tôi là thư ký cho Phó tổng giám đốc phụ trách kiểm toán của EY, cứ hỏi "bà Dương đâu" vì thấy mặt mình ngây thơ, mặc váy xòe, đi giầy cao gót, khác với hình dung một kiểm toán như "cảnh sát trưởng" đóng hộp nghiêm trang.
Nhưng khi đã vào công việc, tôi hoàn toàn khác hẳn, cực kỳ nghiêm túc và khá "ghê" (cười lớn) vì tôi nắm vấn đề rất nhanh, khái quát hóa tốt và suy nghĩ rất logic. Tôi có thể đưa ra ý tưởng sáng tạo và rất nhiều lần những người đàn ông tin tưởng và nghe, làm theo.
Có người nói tôi giống như tivi, có thể chuyển nhiều kênh, từ thời sự đến giải trí. Tôi có khá nhiều tài lẻ như hát hò, nhảy múa hay trí sáng tạo khá cao nên thích tham gia các hoạt động, từ công ty cho đến các hội, nhóm bên ngoài công việc. Ai cũng bảo tôi lấy đâu ra mà lắm năng lượng thế, không bị hết pin à. Chắc vì vậy mà tôi có thể "đa kênh" và rất khác khi ngoài công việc.
- Khi phải "đóng hộp" trong vai "nữ cảnh sát" thì bà trông như thế nào?
- Nghề của tôi vốn có sự mâu thuẫn. Ngân hàng trả tiền dịch vụ để được kiểm toán nhưng lại có lúc chúng tôi phải nói công khai cho mọi người biết ngân hàng đó đang có những vấn đề gì, thậm chí "ốm" như nào.
Tại Việt Nam, EY kiểm toán báo cáo tài chính của phần lớn các ngân hàng thương mại hiện nay. Thường tôi hay bị "doạ" nhất vào lúc đánh giá kiểm toán của chúng tôi không "đẹp" cho họ. Có lần, một ông chủ ngân hàng ở Hà Nội doạ "nếu Dương không làm được như anh nói thì cũng gặp rắc rối đấy" rồi anh khác thì bảo "Em làm thế, sang năm mất hợp đồng đấy".
Nhưng mà tôi chẳng sợ. Đến giờ họ cũng chưa thể "đẹp" hơn được. 3 năm trước thì một anh chủ ngân hàng khác cũng có tiếng tăm ở miền Bắc bảo "em mà làm thế sau này chả ai thuê em cả". Ngoài các chủ tịch ngân hàng, cũng nhiều tổng giám đốc, kế toán trưởng bảo là "phát điên lên" với tôi vì cứng đầu.
Hoặc gần đây EY có kiểm toán một ngân hàng mà kết quả rất bất lợi cho họ trong bối cảnh hiện nay. Tôi và chủ tịch ngân hàng đó cứ ngồi nhìn nhau cả tiếng đồng hồ mà không biết nên làm thế nào. Sau cùng thì tôi nghĩ ra một "mưu" là vẫn chỉ ra cái xấu của họ, nhưng tôi nêu vấn đề với cơ quan quản lý để giải quyết cho họ.
Đôi khi các ngân hàng ở vào thế, mà họ nói đùa là, bị táo bón mà không thể nói ra. Nói chung bị doạ nhiều thì tôi cũng thành "miễn dịch" thôi.
Mà thực tế có lần tôi mất hợp đồng thật (Cười). Nhưng nhiều khách hàng, 1-2 năm sau, lại tìm đến và nói rằng doanh nghiệp đã tốt lên, muốn IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hay phát hành trái phiếu ra nước ngoài nên muốn chúng tôi quay lại vì họ tin tôi và đội ngũ đã làm thì sẽ tốt.
Nhưng không chỉ khách hàng mà ngay đến sếp cũng gây sức ép cho tôi lắm. Có đợt sếp bên vùng yêu cầu tôi cắt giảm nhân viên, hạ ngân sách lương cả bộ phận nhưng tôi kiên quyết không đồng ý. Nhân viên kém tôi đuổi ngay nhưng tình huống đó không phải vậy. Đổi lại, tôi cam kết sẽ tăng doanh thu và trong 7 năm làm ở đây (EY), tôi chưa lần nào không đạt KPI doanh thu cả.
- Vậy bản thân việc là nữ giúp ích gì trong việc thỏa thuận với các khách hàng là những sếp ngân hàng là nam giới?
- Để tôi nói về hạn chế trước nhé. Thực sự nếu mình không biết chơi golf, hút thuốc, có lẽ là một trở ngại rồi. Đàn ông, chỉ cần đứng hút điếu thuốc với nhau cũng có thể nói chuyện, bàn việc. Chưa kể nếu đi đánh golf thì còn lợi thế hơn nữa ấy.
Nhưng phụ nữ cũng có những thế mạnh. Người ta nhìn thấy điện thoại của kiểm toán gọi, mà từ phó tổng trở lên, chắc chắn là lành ít dữ nhiều. Nên tôi duyên dáng và vui tươi có cái lợi, giúp đơn giản hoá những vấn đề phức tạp, cho mọi thứ dễ dàng hơn để khách hàng không thấy nặng nề.
Nhưng nó không thể là điểm cộng để đạt được mục tiêu kiểu như hợp đồng. Tôi không tận dụng lợi thế phụ nữ để bán hàng.
Là phụ nữ làm kinh doanh, khi mình quá dịu dàng và gần gũi, người khác có thể tưởng tượng và nghĩ theo một hướng khác. Vì vậy, đối với kiểm toán và tư vấn, EQ (chỉ số thông minh cảm xúc - Emotional Quotient) là cực kỳ quan trọng. Nó sẽ giúp giữ được ranh giới giữa việc mềm mỏng để đạt được kết quả công việc mà người ta vẫn tôn trọng mình.
Khách hàng nói thích tôi vì là một người có thể vừa nói chuyện hội hoạ, văn thơ, âm nhạc, xì gà, rượu vang, rồi nuôi dạy con cái và đến khi làm việc thì nghiêm túc và chỉn chu. Nên tôi nghĩ những người phụ nữ khi làm việc hãy chinh phục họ bằng kiến thức, chuyên môn và sự tận tâm, để vừa lắng nghe, phục vụ được khách hàng mà lại không thoả hiệp và giữ vững đạo đức.
- Vậy đâu là nhược điểm của bà?
- Nhiều lắm. Nhưng lớn nhất có lẽ chính vì tôi quá ưu tiên tốc độ trong cả công việc lẫn cuộc sống nên nhiều khi cái gì cũng đòi hỏi phải "ngay và luôn". Tôi nói nhanh, làm nhanh và có khi quá quyết liệt và mạnh mẽ. Hỗ trợ khách hàng nhanh thì họ quý mình hơn nhưng quyết liệt, "cứng" quá đôi khi họ không hiểu được.
Ngoài ra, tôi tự nhận mình không phải là người cân bằng tốt do thường xuyên đi công tác. Những bữa cơm chung của gia đình cũng hiếm hoi vì giờ giấc của bố mẹ và con cái lệch nhau. Có những lúc vợ về nhà khi tối muộn, nhưng con cái thì đã phải ăn uống và học hành từ sớm.
Tuy nhiên, nhà tôi không hề thiếu thốn tình cảm. Tôi tin rằng một tiếng chất lượng bên con hơn là vài tiếng ngồi kè kè xem chừng nó học bài. Tôi thu xếp để mình luôn dõi theo mọi thời điểm và xuất hiện trong cuộc sống của con cái, người thân vào những lúc quan trọng.
- Bà "dõi theo" và "xuất hiện" như thế nào, khi bận như vậy?
- Tôi cho rằng, dù là ai đi chăng nữa, cũng không thể làm được tất cả mọi việc. Điều tôi có thể làm là tạo ra các công cụ, hệ sinh thái quan hệ xung quanh để theo dõi được tình hình của con cái, việc gia đình theo cách mình muốn.
Bạn có thể không ở buổi học bơi của con nhưng hãy nhớ từng giờ học, nắm từng buổi vượt qua các thử thách hay thất bại của con để cùng thầy cô giáo chỉnh nắn. Từ thầy cô giáo, bố mẹ của bạn các con đến người lái xe, bảo vệ khu chung cư... đều nằm trong "hệ sinh thái" mà tôi xây dựng và luôn theo dõi chặt như với công việc.
Tôi có thể không trực tiếp nấu cơm nhưng luôn ở cạnh lúc con cần. Ngày con thi vào trường Ams, tôi cũng đứng ngoài nắng đợi con hàng giờ đồng hồ như bao bậc cha mẹ khác.
Thời gian đầu khi con trai mới chơi cờ vua, tôi luôn tự đưa đi, ngồi từ sáng đến chiều, trao niềm tin cho con để phấn đấu và khích lệ mỗi khi con thua. Hoặc tôi sẽ lắng nghe con gái chơi toàn bộ các bản nhạc (con gái tôi học piano ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tôi cũng thu xếp để song hành cùng các con hầu hết ở các cuộc thi ở trong nước hay nước ngoài từ toán, hùng biện đến âm nhạc...
Phụ huynh của các con tôi hầu như ban đầu đều không biết tôi làm nghề gì, công việc bận như thế nào nhưng vẫn thấy tôi đồng hành cùng con ở mọi hoạt động, mặc tạp dề đứng rán xúc xích bán ở hội chợ của tụi nhỏ...
- Ở nhà bà, ai làm việc nhà?
- Nhà tôi có một người giúp việc, nhưng bà Dương có là gì đi chăng nữa thì lúc về nhà vẫn làm việc nhà bình thường, từ cọ toilet trở đi.
Dẫu sao tôi khuyên những người phụ nữ bận rộn hãy biết cách tận dụng những công cụ hỗ trợ mình để tận hưởng cuộc sống. Nhưng ngược lại, phải biết dành thời gian chất lượng khi ở bên gia đình vào những ngày cuối tuần, những lúc không bận. May quá, tôi cũng biết nấu ăn đấy nhé! (Cười)
- Các bà mẹ ngày nay thường đặt mục tiêu cho con là những thành tích. Vậy là con của một người như bà sẽ áp lực như thế nào?
- Tôi có đặt ra mục tiêu để con theo đuổi, tuy nhiên điều đó dựa trên sở thích và được con đồng ý. Con tôi chơi cờ và chinh phục giải nọ kia là do nó thấy thích thực sự chứ không phải vì mẹ. Hoặc con gái tôi học đàn piano chuyên nghiệp 5 năm ở Nhạc viện cũng thực sự là vì con thích.
Các con tôi học hành cũng không phải xuất sắc. Tôi không có nhu cầu con phải xuất chúng, chỉ mong nó vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cho con tham gia nhiều hoạt động, từ bán hàng đến thi Toán, Tiếng Anh, hùng biện, khoa học, bơi.. miễn là con thấy thích.
Tôi thấy mọi người nói nhiều về dạy kỹ năng sống. Tuy nhiên, cách tốt nhất là để con tự trải nghiệm và va vấp thực tế. Chính vì bố mẹ bận rộn nên hai con của tôi khá là tự lập.
Con gái lớn của tôi hiện 15 tuổi. Nó đã có thể một mình sang Mỹ, tự bay đi bay về. Có lần cũng từng mải ăn ở sân bay mà nhỡ mất chuyến bay về nhà. Nhưng cô bé cùng với bạn vẫn tự xoay xở để thuyết phục người ta cho lên chuyến bay khác về nhà mà không mất tiền.
- Con trai của bà từng tham gia nhiều giải đấu của cờ vua, cũng từng là Á quân giải vô địch cờ vua Đông Nam Á. Vậy bà dạy con cách đón nhận thất bại như thế nào?
- Nhiều trận đấu, nhiều cuộc thi, con ra về không có giải, không có huy chương trong tay, nó rưng rưng. Nhưng tôi khích lệ và muốn con hiểu rằng thất bại chỉ là trước mắt, còn nhiều thứ để tiếp tục nỗ lực trong những trận đấu về sau.
Trong công việc tôi cũng quan niệm vậy, có lúc thất bại hôm nay, nhưng còn cả chặng đường phía trước để chiến thắng. Con người chạy nhanh quá ở thời gian đầu, về sau sẽ bị hụt hơi. Nên chiến lược là phải trải đều sức lực.
Và điều quan trọng hơn hết là mình đừng bao giờ bỏ cuộc, kể cả trong những lúc khó khăn nhất, luôn giữ vững năng lượng, niềm tin, sự lạc quan vào những điều ở phía trước mình. Ngày mai luôn là một ngày mới!