Bom nợ Evergrande nguy cơ phát nổ, bóng ma Lehman Brothers tái hiện tại Trung Quốc?
Bóng ma Lehman Brothers
13 năm trước, sự kiện Lehman Brothers sụp đổ đã chứng minh cú lao dốc của duy nhất một công ty có thể gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới. Dư âm từ sự kiện này đang trở lại khi một ông lớn bất động sản ở phía bên kia địa cầu đứng trước bờ vực vỡ nợ.
Rủi ro lần này là sự suy tàn của Evergrande, một công ty bất động sản Trung Quốc với khoảng nợ gây choáng 300 tỷ USD, có thể kích hoạt một phản ứng dây chuyền, thậm chí lan rộng ra nước ngoài.
Chia sẻ với CNN, ông Ed Yardeni, Chủ tịch hãng tư vấn Yardeni Research, cho biết: "Một số người lo sợ rằng cuộc khủng hoảng của Evergrande có những rủi ro hệ thống ngang ngửa với tác động mà cú sốc Lehman Brothers gây ra cho thị trường chứng khoán Mỹ".
Tương tự Lehman trong thời kỳ hoàng kim, quy mô của Evergrande cũng thuộc hàng khổng lồ, chứng tỏ nếu "chúa chổm" Trung Quốc vỡ nợ, nhiều người sẽ chịu thiệt hại. Hiện tại, Evergrande có khoảng 200.000 nhân viên, đạt doanh thu hơn 110 tỷ USD vào năm ngoái và có hơn 1.300 dự án lớn nhỏ, theo Reuters.
Ngoài ra, sự lung lay của Evergrande còn cho thấy số lượng các khoản vay bất thường của doanh nghiệp và người dân Trung Quốc trong nhiều năm qua. Phố Wall đang theo sát tình hình của công ty bất động sản này.
Thị trường tài chính tạm thời chưa hề hấn gì
Các nhà đầu tư dường như tin tưởng rằng các nhà chức trách ở Bắc Kinh sẽ sử dụng quyền kiểm soát kinh tế để hạn chế thiệt hại. Hơn nữa, hiện cũng không có bằng chứng nào về tác động đến thị trường tài chính Mỹ, ít nhất là cho đến nay.
Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, nhận định: "Tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng của Evergrande và những vấn đề tài chính của các công ty bất động sản Trung Quốc nói chung sẽ gây hại cho nền kinh tế hay thị trường Mỹ".
"Chúng tôi tin rằng những lo ngại về 'khoảnh khắc Lehman' tại Trung Quốc là chưa chính xác", nhà kinh tế cấp cao Simon MacAdam tại Capital Economics nhấn mạnh. Vị chuyên gia cho biết, ngay cả khi Evergrande sụp đổ tan tành, tác động đến thị trường toàn cầu sẽ rất hạn chế, chủ yếu chỉ gây ra một số bất ổn nhỏ.
Ông David Kotok, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Đầu tư của Cumberland Advisors cho rằng Evergrande chỉ là "một vấn đề tín dụng trong nước của Trung Quốc". Rủi ro tín dụng không có khả năng lan rộng, ông Kotok bày tỏ.
Theo CNN, chênh lệch tín dụng, tức mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và lợi suất trái phiếu chính phủ siêu an toàn, vẫn rất hẹp. Đó là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư ở Mỹ không thực sự e ngại, đặc biệt là với sự hỗ trợ chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với nền kinh tế và thị trường.
Ông Kotok nói: "Tôi sẽ thay đổi quan điểm ngay lập tức nếu nhận thấy phản ứng dây chuyền ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới".
Động cơ tăng trưởng của Trung Quốc chững lại
Ngoài tác động đến thị trường, cú lao dốc của Evergrande có thể gây hại cho nền kinh tế Trung Quốc - một chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Evergrande hiện đã tạm dừng một số dự án để tiết kiệm nguồn tiền mặt. Với quy mô của công ty này, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực.
"Phát triển bất động sản là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế tỷ dân trong thập kỷ qua", ông Guy Lebas, chiến lược gia cấp cao tại hãng quản lý đầu tư Janney Capital Management, cho hay.
Ông Lebas cho rằng, việc thiếu các dự án bất động sản quy mô lớn có thể làm động cơ tăng trưởng của Trung Quốc chững lại.
Dù vậy, các chuyên gia hầu như vẫn tin tưởng chính quyền Bắc Kinh sẽ can thiệp. "Nếu vụ vỡ nợ của Evergrande có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ ngăn chặn kịch bản đó xảy ra", kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's nhấn mạnh.
Ông Kotok của Cumberland Advisors chỉ ra rằng ở Trung Quốc, ngay cả việc bơm tín dụng vào các phần khác nhau của nền kinh tế cũng do chính phủ quyết định. Trong khi đó, ông Yardeni của Yardeni Research không nghĩ Bắc Kinh sẽ cứu Evergrande, nhưng dự đoán chính phủ sẽ bơm đủ thanh khoản để hạn chế thiệt hại.