Khủng hoảng của bom nợ Evergrande lan tỏa khắp thị trường tài chính Trung Quốc
Lo ngại sâu sắc về tác động của kịch bản China Evergrande Group vỡ nợ đang tràn ra khắp thị trường tài chính Trung Quốc.
Cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản kéo chỉ số Hang Seng China Enterprises đi xuống. Sunac China và Country Garden Holdings – hai nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc theo doanh thu - giảm lần lượt 11% và 7%. Chỉ trong tuần này, hai cổ phiếu trên đã giảm hơn 21%.
Lợi tức trái phiếu rác của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng, theo chỉ số của Bloomberg. Tại Thượng Hải, cổ phiếu ngân hàng đang hứng chịu đợt bán tháo chóng vánh nhất trong 7 tuần.
Bà Elizabeth Kwik, trưởng nhóm đầu tư cổ phiếu của Aberdeen Standard Investments Asian nói với Bloomberg: "Không chỉ ngành bất động sản mà tâm lý chung trên toàn thị trường đang rất dễ suy sụp".
Triển vọng của Evergrande, công ty "quá lớn để sụp đổ" của Trung Quốc, đang xấu đi từng ngày. Hôm 16/9, đơn vị Evergrande tại Trung Quốc nội địa đã ngừng mọi giao dịch trái phiếu. Đợt hạ xếp hạng tín dụng đã đẩy công ty xuống nhóm nhà phát hành trái phiếu rủi ro nhất tại Trung Quốc.
S&P Global Ratings cũng hạ bậc Evergrande, nói rằng tính thanh khoản và khả năng tiếp cận nguồn vốn của công ty "đang suy giảm nghiêm trọng".
Đầu tuần này, giới chức trách Trung Quốc thông báo với các chủ nợ lớn rằng Evergrande sẽ không thể trả lãi cho các khoản vay đến hạn ngày 20/9, nguồn tin của Bloomberg cho hay. Công ty đã thuê cố vấn để đề phòng trường hợp phải tái cơ cấu nợ.
Dấu hiệu căng thẳng trong hệ thống ngân hàng không rõ ràng bằng thị trường chứng khoán. Lãi suất cho vay liên ngân hàng dao động gần mức trung bình, cho thấy thị trường tiền tệ có đủ thanh khoản.
Nhưng một số ngân hàng ở Trung Quốc có vẻ đang tích trữ nhân dân tệ với chi phí đắt nhất trong gần 4 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy họ có thể đang chuẩn bị cho "thanh khoản căng thẳng như thời khủng hoảng", theo cách nói của chuyên gia Mizuho Financial
Nợ ngân hàng và các khoản vay khác từ doanh nghiệp như quỹ tín thác chiếm khoảng 81% trong số 336 tỷ nhân dân tệ (52 tỷ USD) nợ phải trả lãi sẽ đáo hạn trong năm 2021 của Evergrande. Chủ nợ lớn nhất bao gồm China Minsheng Banking, Agricultural Bank of China và Industrial & Commercial Bank of China.
Trong tuyên bố hôm đầu tuần, Evergrande bác bỏ tin đồn công ty sẽ phá sản.
Tuần tới sẽ là bài kiểm tra quan trọng đối với Evergrande. Công ty sẽ phải thanh toán tiền lãi trái phiếu vào khoảng 120 triệu USD.
Sự suy yếu của thị trường nhà ở - chiếm đến 28% nền kinh tế Trung Quốc – ngày càng trở nên rõ rệt. Dữ liệu công bố ngày 15/9 cho thấy doanh số bán nhà theo giá trị tháng 8 giảm tới 20% so với năm ngoái.
Trả lời câu hỏi về tác động tiềm tàng của Evergrande đối với nền kinh tế, phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Fu Linghui cho biết một số doanh nghiệp bất động sản lớn đang gặp khó khăn và hậu quả "vẫn còn phải chờ xem".
Các nhà kinh tế cảnh báo Trung Quốc đang đi quá xa trong chiến dịch siết chặt thị trường bất động sản để tránh bong bóng.
Theo ngân hàng đầu tư Macquarie Group, ưu tiên hiện tại của Trung Quốc là thúc đẩy thịnh vượng chung và ngăn chặn doanh nghiệp liều lĩnh quá mức đồng nghĩa với việc các quy định về bất động sản khó có khả năng nới lỏng trong năm nay.
Các nhà phân tích của Macquarie viết trong lưu ý rằng bất động sản sẽ là "yếu tố cản trở tăng trưởng lớn nhất" trong năm tới. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể bỏ bớt hạn chế để đảm bảo GDP tăng trưởng 5%.
Hôm 14/9, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đảo nợ các khoản vay đến hạn thay vì bổ sung thanh khoản. Động thái này cho thấy chính phủ Trung Quốc nhận định không cần rót thêm hỗ trợ vào thị trường tài chính.
Kết phiên 15/9, chỉ số Hang Seng China sụt 1,5%. Evergrande mất 6,4%, rơi xuống đáy thấp nhất trong gần một thập kỷ. Chỉ số chứng khoán bất động sản Thượng Hải giảm 2,7%.