Một công ty hấp hối đe dọa tàn phá kinh tế Trung Quốc
Cứ sau một khoảng thời gian, chúng ta lại thấy một công ty trở nên to lớn và lộn xộn đến mức chính phủ sợ hậu quả kinh tế sẽ khó lường nếu công ty đó sụp đổ. Tại Trung Quốc, nhà phát triển bất động sản Evergrande chính là công ty "quá lớn để sụp đổ" đó.
Evergrande nổi danh là công ty phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới và đã thoi thóp trong suốt nhiều tháng. Loạt tin xấu liên tục trong những tuần gần đây đã đẩy nhanh kết cục mà nhiều chuyên gia cảnh báo là không thể tránh khỏi: Sụp đổ.
Tuần vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng Fitch nói rằng việc Evergrande vỡ nợ "dường như có thể xảy ra". Moody's thì nói rằng Evergrande đang cạn kiệt tiền và thời gian. Công ty đối mặt với khối nợ hơn 300 tỷ USD, hàng trăm tòa nhà dân cư chưa hoàn thành và nhiều nhà cung cấp giận dữ đã đóng cửa các công trường xây dựng. Công ty thậm chí còn bắt đầu thanh toán nợ quá hạn bằng cách bàn giao các công trình dang dở.
Giới quan sát đang theo dõi liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực hiện đúng cam kết làm trong sạch khu vực doanh nghiệp của nước này bằng cách để những "quả bom nợ" như Evergrande sụp đổ hay không.
Trong thuở hoàng kim một thập kỷ trước, Evergrande bán nước đóng chai, sở hữu đội bóng đá chuyên nghiệp giỏi nhất Trung Quốc và thậm chí còn tham gia vào ngành chăn nuôi lợn. Đế chế Evergrande trải dài đến mức thậm chí có cả một đơn vị sản xuất xe điện.
Ngày nay, Evergrande bị coi là mối đe dọa nguy hiểm đối với các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 1996, Evergrande đã tận dụng sự bùng nổ lịch sử của thị trường bất động sản Trung Quốc. Công ty đứng trong trung tâm nền kinh tế đã trở nên dựa dẫm vào thị trường nhà đất để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập Evergrande, là thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một nhóm ưu tú gồm các cố vấn có mối quan hệ chính trị rộng rãi. Quan hệ của ông Hứa có lẽ đã khiến các chủ nợ an tâm và liên tục cho Evergrande vay tiền để lấn sân sang các lĩnh vực mới. Kết cục là Evergrande đã vay nợ nhiều hơn số tiền có thể trả.
Rắc rối của Evergrande đến từ đâu?
Theo tờ New York Times, Evergrande có thể tiếp tục tăng trưởng nếu không có hai rắc rối sau.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang triệt hạ thói quen vay mượn liều lĩnh của các nhà phát triển bất động sản. Điều này buộc Evergrande phải bán bớt một số đơn vị kinh doanh. Nhưng quá trình này đang gặp khó khăn và công ty vẫn chưa bán được mảng xe điện. Một số chuyên gia cho biết người mua đang chờ đến lúc Evergrande bán tống tài sản với giá rẻ.
Thứ hai, thị trường bất động sản Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu cho căn hộ mới đang giảm bớt. Tuần trước, Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Bắc Kinh, tuyên bố sự bùng nổ thị trường bất động sản "đã cho thấy dấu hiệu của bước ngoặt", chỉ ra nhu cầu yếu và dữ liệu bán hàng chậm lại.
Liệu chính phủ Trung Quốc có cứu Evergrande?
Bắc Kinh rất muốn nói "Không", nhưng sự sụp đổ của Evergrande có thể tạo ra thiệt hại nghiêm trọng. Người mua nhà, nhà cung cấp và nhà đầu tư nội địa của Evergrande– có khả năng lên đến hàng triệu người – sẽ rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Trong nhiều năm, nhà đầu tư đã đổ tiền cho những công ty như Evergrande vì họ tin rằng rốt cục, Bắc Kinh sẽ luôn đứng ra giải cứu nếu tình hình trở nên quá nguy hiểm. Trong suốt hàng thập kỷ, niềm tin này đã đúng.
Nhưng trong vài năm qua, các nhà chức trách đã trở nên sẵn lòng hơn trong việc để mặc các công ty phá sản nhằm kiềm chế vấn đề nợ không bền vững của Trung Quốc.
Giới chức trách đã triệu tập các giám đốc của Evergrande đến một cuộc họp vào tháng trước và yêu cầu công ty xử lý các khoản nợ một cách trật tự. Họ cũng yêu cầu các ngân hàng của Evergrande giảm cho công ty vay.
Kinh tế Trung Quốc sẽ vạ lây thế nào nếu Evergrande sụp đổ?
Sự hoảng loạn từ nhà đầu tư và người mua nhà có thể lây lan sang thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến giá, qua đó tác động đến của cải và niềm tin của hộ gia đình. Gần 3/4 tài sản của hộ gia đình Trung Quốc gắn liền với nhà ở.
Sự sụp đổ của Evergrande cũng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và khiến doanh nghiệp Trung Quốc khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Trên tờ Financial Times, tỷ phú đầu tư George Soros cảnh báo vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến kinh tế Trung Quốc đổ nhào.
Ông Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong nhận định sự thất bại của Evergrande có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tín dụng trong toàn nền kinh tế do các tổ chức tài chính lo ngại rủi ro hơn. Ông nói thêm rằng sự thất bại của Evergrande "không phải tin tốt cho hệ thống tài chính hay nền kinh tế nói chung".
Không phải ai cũng bi quan như vậy. Ông Bruce Pang, nhà kinh tế tại China Renaissance Securities nhìn nhận sự kiện Evergrande vỡ nợ có thể đặt nền móng cho nền kinh tế lành mạnh hơn trong tương lai.
"Nếu Evergrande và niềm tin "quá lớn để sụp đổ" đều diệt vong, điều này sẽ chứng tỏ Bắc Kinh đã sẵn lòng chấp nhận các vụ vỡ nợ hơn trước, bất chấp đau đớn và gián đoạn trong ngắn hạn", ông Pang nói.
Nguy cơ bất ổn xã hội?
Nợ nần của Evergrande đang có nguy cơ châm ngòi bất ổn xã hội khi công ty đối mặt với biểu tình từ người mua nhà, nhà đầu tư nhỏ lẻ và cả chính nhân viên.
Cảnh sát đã được điều động đến trụ sở của Evergrande tại Thâm Quyến vào tối ngày 13/9 khi đám đông tụ tập, yêu cầu công ty hoàn trả các sản phẩm quản lý tài sản quá hạn thanh toán. Tờ Caixin đưa tin số người biểu tình lên đến hàng trăm.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết những nhân viên của Evergrande đã mua sản phẩm quản lý tài sản của công ty đã tổ chức biểu tình ở Thẩm Dương vào cuối tuần trước. Tại Quảng Châu, những người mua nhà giận dữ đã bao vây một cơ quan nhà ở địa phương để yêu cầu Evergrande khởi động lại việc xây dựng đang đình trệ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/