|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tại sao tự hào là nước nông nghiệp mà phải nhập khẩu ngô, đậu tương?

16:35 | 27/10/2021
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy tính tự chủ nền nông nghiệp của Việt Nam chưa cao, 70-80% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu của nước ngoài.

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 9 đạt hơn 721 nghìn tấn ngô, kim ngạch đạt 222 triệu USD tăng 55% về lượng và giá trị so với tháng 8.

Lũy kế 9 tháng, nhập khẩu ngô của cả nước đạt 7,6 triệu tấn, tương đương 2,1 tỷ USD, giảm 10% về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tại sao tự hào là nước nông nghiệp mà phải nhập khẩu ngô, đậu tương? - Ảnh 1.

Số liệu: Tổng cục Hải quan, Đồ họa: Hoàng Anh.

Giá ngô nhập khẩu tháng 9 đạt 308 USD/tấn, tăng 66% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng, giá ngô nhập khẩu trung bình đạt 284 USD/tấn, tăng 33% so với cùng kỳ 2020.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tại sao tự hào là nước nông nghiệp mà phải nhập khẩu ngô, đậu tương? - Ảnh 2.

Số liệu: Tổng cục Hải quan, Đồ họa: Hoàng Anh.

Trước những biến động của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy tính tự chủ nền nông nghiệp của Việt Nam chưa cao, 70-80% nguyên liệu phải nhập khẩu của nước ngoài.

"Tại sao một đất nước nông nghiệp, tự hào là nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản?", ông Hoan nói.

Lý giải về vấn đề này, ông Tống Văn Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng đây là bài toán kinh tế, khi 1 kg ngô chỉ khoảng 7.000-8.000/kg còn 1kg gạo cũng đã 12.000-13.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của nước ta chủ yếu trồng lúa và chất đất phù hợp với cây lúa.

Gần đây, người dân chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, theo mục tiêu sẽ có 500.000 ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô sinh khối để có thể chủ động hơn trong nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đại diện Cục Trồng trọt thông tin tổng diện tích trồng ngô ở Việt Nam dao động 1 triệu ha, giảm đáng kể trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân của việc giảm này là giá thành sản xuất cao, chi phí lớn, năng suất chưa cao nên lợi nhuận trong sản xuất ngô hạn chế, diện tích ngô trồng giảm mạnh. 

Diện tích tập trung chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc khoảng 430 nghìn ha, riêng ĐBSCL chỉ khoảng 30.000 ha.

Bộ NN&PTNT đã có định hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó có cây ngô.

Đồng thời, chuyển đổi giống ngô lấy hạt sẽ chuyển sang giống ngô sinh khối. Bởi, ngô sinh khối phát triển luôn gắn với các doanh nghiệp nên việc bao tiêu sản phẩm được diễn ra dễ dàng và thuận tiện hơn.

Hoàng Anh