|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT: Nếu không có giải pháp giảm giá thức ăn chăn, nguồn cung thịt gia cầm sẽ thiếu

16:06 | 08/05/2021
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng nếu không có giải pháp đồng bộ ổn định giá thức ăn chăn nuôi, nguy cơ các tháng tới sẽ thiếu gia cầm và giá thịt thương phẩm sẽ tăng.

Chia sẻ với báo chí chiều ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết hiện việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nông sản trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó điển hình là ngô và đỗ tương. 

Cùng với đó, việc mất mùa ở một số quốc gia châu Mỹ khiến giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi này tăng mạnh.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 20 - 40% từ đầu năm đến nay kéo theo giá thành phẩm cũng tăng theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định trong quý II tình hình giá thức ăn chăn nuôi cũng chưa thay đổi.

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi quyết định 65 - 70% giá thành nuôi gia súc, gia cầm nên cần có giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

Tuy nhiên, việc giá gia cầm giảm thời gia qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khiến người dân e ngại việc tái đàn. 

"Nếu không có giải pháp đồng bộ, nguy cơ các tháng tới sẽ thiếu gia cầm và giá thịt thương phẩm sẽ tăng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Thứ trưởng cho biết thêm hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cố gắng chỉ tăng giá thức ăn hỗ hợp khoảng 10 - 15% mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng 20 - 40%. 

Trước đó, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần tiết kiệm nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tận dụng nguyên liệu sẵn có ở trong nước hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi các nguyên liệu sẵn trong nước như bã sắn, cám điều chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước, còn lại vẫn phải dựa vào nhập khẩu.

Ngoài vấn đề nguồn không đáp ứng được, giá nguyên liệu trong nước thậm chí cao hơn so với giá nhập khẩu cũng là nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào việc mua đậu tương, ngô từ nước khác về sản xuất thức ăn chăn nuôi.

"Các nước Mỹ, Brazil, Argentina có những cánh đồng trồng ngô, đậu tương hàng nghìn ha. Năng suất cũng cao hơn khoảng 25% so với Việt Nam nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và công nghệ. 

Ở Việt Nam, đất đai manh mún nên rất khó cơ giới hóa, tự động hóa trong trồng trọt. Do đó, giá ngô, đậu tương và các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác thậm chí thấp hơn trong nước. Do vậy, chúng ta vẫn phải nhập", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

H.Mĩ