Bộ Công Thương: Giám sát chặt 1,8 triệu tấn nhôm tạm nhập tái xuất
Liên quan đến việc Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam tạm nhập tái xuất 1,8 triệu tấn nhôm sang Mỹ nhằm trốn thuế nhưng bị phát hiện vào năm 2016, ngày 31/10, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, lượng nhôm này vẫn đang ở kho ngoại quan và thường xuyên được các đơn vị chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Theo Bộ Công Thương, đây là vụ việc gian lận xuất xứ lớn nhất với mặt hàng nhôm được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, giám sát từ năm 2017 đến nay.
Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, đây là vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm xảy ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp cũng như lợi dụng chính sách thuế suất để trục lợi bằng hình thức giả mạo xuất xứ hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi các nước.
Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền sản xuất, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác nhằm lợi dụng chênh lệch thuế suất.
Bởi, nhôm của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ lại phải chịu thuế lên đến 374%, tức cao gấp 25 lần.
Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Vì vậy, hiện toàn bộ số nhôm này chưa thể xuất khẩu. Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng tồn lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 4 tỷ USD.
Theo người đứng đầu ngành hải quan, Hải quan Mỹ đã trao đổi với Tổng cục Hải quan, kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế quan…
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh với các hành vi gian lận xuất xứ. Ngoài vụ việc nêu trên, thời gian qua, cơ quan hải quan đã ngăn chặn nhiều vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam để giả mạo xuất xứ.
Bộ Công Thương cho rằng, dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng gian lận thương mại đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc kiểm tra khi có những nghi vấn bất thường.
Do đó, trung tuần tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo đối với 25 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại khi xuất sang các thị trường Mỹ, EU, Canada gồm: gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn (2 mã HS), vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, ruybăng trang trí, thép tiền chế, ống cơ khí bằng thép và hợp kim lạnh, lá nhôm, ghim đóng thùng, gluconate natri, phụ kiện rèn bằng thép, tấm nhôm hợp kim thông dụng, dây thun, ống hàn đường kính lớn, bánh xe thép, glycine, xilanh propane thép.
Đáng lưu ý, với các mặt hàng nằm trong danh sách cảnh báo, Bộ Công Thương đều thông báo ngay cho Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lưu ý và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Vì thế, đối với các trường hợp có nghi vấn và hoạt động xuất nhập khẩu tăng đột xuất, Bộ Công Thương cho rằng cần đẩy mạnh kiểm tra tại cửa khẩu hải quan đối với mặt hàng được kiểm soát.
Ngoài ra, Bộ tăng cường kiểm tra thực địa, trao đổi thông tin số liệu với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục cảnh báo cũng như đưa ra giải pháp phù hợp với hàng nghìn mặt hàng xuất nhập khẩu.
Nhằm ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương cũng sẽ kết nối thông tin với cơ quan hải quan và cơ quan thuế để có đủ thông tin trước khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng nếu như sản phẩm được tiêu thụ trong nước; đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia nếu sản phẩm đó xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam.