|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vụ 4,3 tỉ USD nhôm Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt

16:35 | 06/11/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận đã có các doanh nghiệp đang lợi dụng Việt Nam và xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài.

Tại phiên chất vấn chiều ngày 6/11, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề cập tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lí. Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lí thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hoá sang các nước đối tác, tạo lợi thế trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác"

Các hiệp định sẽ mang lại những cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm và đội lốt xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan để xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỉ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. 

Ngay từ thời điểm đó, thông qua những thông tin có được, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể trong lĩnh vực này.

Ngoài ra các sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giàygỗ dán… cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại để lẩn tránh thuế phòng vệ và thuế phòng vệ thương mại của Mỹ, EU… đã bị phát hiện.

Bộ Công Thương cho biết Bộ đã báo cáo với Chính phủ và phối hợp cùng các bộ, ngành quản lí và xử lí những vấn đề này đặc biệt là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại, trong đó gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và nhiều địa phương để đấu tranh có hiệu quả.

"Trên thực tế hiện nay chúng ta không chậm trễ, không gây tổn hại, ảnh hưởng quan hệ chính thức của chúng ta đối với các đối tác" Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Ví dụ với Mỹ, đây là khu vực Việt nam có xuất nhập khẩu tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua và rất dễ bị lợi dụng gian lận xuất xứ vì Mỹ áp dụng cơ chế cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ chứ không sử dụng chứng nhận xuất xứ của các cơ quan chức năng nước xuất khẩu.

"Nhưng trên thực tế, thời gian qua chúng ta đã chỉ đạo và quản lí chặt chẽ, phối hợp kịp thời chính phủ Mỹ, Hải quan Mỹ cũng như Cơ quan thương mại Mỹ.

Do đó, mặc dù có tăng trưởng rất cao tại thị trường này nhưng đến nay về cơ bản vẫn giữ quan hệ thuận lợi, có hiệu quả và tiếp tục song phương hợp tác với Mỹ cũng như đối tác khác thực thi các biện pháp chống gian lận thương mại", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Như Huỳnh