Gian lận xuất xứ nhôm qui mô 4,3 tỉ USD: Nguy cơ bị điều tra 'chống lẩn tránh'
Một góc của một trong nhiều kho nhôm do Công ty nhôm Toàn Cầu đã từng được nhập về lưu giữ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đông Hà
Doanh nghiệp Việt cần thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Công thương để biết mặt hàng nào đang có nguy cơ cao bị điều tra "chống lẩn tránh", không nhập nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị Mỹ đánh thuế cao để sản xuất hàng xuất sang thị trường này.
* Vụ nhôm đùn nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc tập kết tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã được phát hiện và xử lý như thế nào, thưa ông?
- Trước đó, qua theo dõi truyền thông nước ngoài, Bộ Công thương nắm được thông tin về việc có một lượng lớn nhôm đùn nhập khẩu về VN, tập kết tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dù thông tin mới ở mức nghi vấn, Bộ Công thương đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có đại diện của Tổng cục Hải quan, để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan.
Sau khi kiểm tra, Bộ Công thương đã có công văn gửi các tổ chức cấp C/O ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu để hướng dẫn và yêu cầu tăng cường quản lý công tác cấp C/O cho mặt hàng nhôm.
Bộ Công thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát các biến động bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu nhôm, phát hiện các hành vi gian lận (nếu có) và đã nhận được sự phối hợp rất tích cực của lực lượng hải quan. Nhờ có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng nên thời gian qua đã không phát sinh tình huống phức tạp nào.
* Việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa đang gặp những khó khăn gì, đặc biệt trong bối cảnh gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng?
- Khó khăn lớn nhất là một số thị trường, trong đó có Hoa Kỳ và EU, áp dụng chế độ tự chứng nhận xuất xứ, tức là không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Do C/O không phải là chứng từ bắt buộc, doanh nghiệp được tự khai và tự chịu trách nhiệm với hải quan nước nhập khẩu. Do đó, khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng của VN sẽ rất khó vào cuộc nếu như không được hải quan nước nhập khẩu cung cấp thông tin.
Hai là nhận thức về gian lận xuất xứ chưa đầy đủ. Chẳng hạn trong vụ Công ty Toàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập nhôm đùn từ Trung Quốc, nhiều người cho là có gian lận hay giả mạo xuất xứ, nhưng thực tế không phải vậy.
Các lô hàng được cấp C/O VN đều đáp ứng các điều kiện để được cấp C/O, thậm chí đáp ứng được cả quy định của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quan hải quan Hoa Kỳ không đặt vấn đề điều tra gian lận hay giả mạo xuất xứ mà tiếp cận theo một hướng khác, cụ thể là "chống lẩn tránh".
Ông Trần Quốc Khánh
* Khi nào một sản phẩm hay một doanh nghiệp bị điều tra "chống lẩn tránh" thuế, thưa ông?
- "Chống lẩn tránh" là hiện tượng tương đối mới trong thực tiễn thương mại quốc tế. Thí dụ, nước A đánh thuế rất cao vào bánh mì nhập khẩu từ nước B. VN nhập khẩu lúa mì từ nước B, chế biến thành bột mì, sau đó thành bánh mì để xuất khẩu sang nước A.
Theo luật của VN và nước A, bánh mì này đủ điều kiện để được coi là sản xuất tại VN. Tuy nhiên, do quyết tâm làm khó nước B nên nước A gọi đây là "lẩn tránh" và đánh thuế cao vào chiếc bánh mì làm tại VN, dù chính luật pháp nước A thừa nhận đây là bánh mì VN.
Vụ việc nhôm nêu trên cũng vậy. VN có thể sử dụng nhôm đùn từ nhiều nguồn để sản xuất sản phẩm nhôm, khi bán vào Hoa Kỳ sẽ được coi là hàng VN và được hưởng thuế 15%.
Tuy nhiên, nếu sử dụng nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc thì dù quy trình sản xuất là giống hệt, vẫn bị coi là "lẩn tránh" và sẽ bị đánh thuế cao như hàng Trung Quốc. Bản chất của vụ việc là vậy.
* Để tránh được nguy cơ điều tra "chống lẩn tránh" của nước nhập khẩu, các doanh nghiệp phải làm gì?
- Thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Một số nước tìm cách đánh thuế nhập khẩu rất cao vào hàng hóa từ một hay vài nước khác. Để bảo đảm hiệu quả của biện pháp thuế, số vụ điều tra "chống lẩn tránh" sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với nhôm và sắt thép, do tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp VN cần hết sức tỉnh táo, thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Công thương để biết mặt hàng nào đang có nguy cơ cao bị điều tra "chống lẩn tránh". Đặc biệt, tránh nhập nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị Hoa Kỳ đánh thuế cao để sản xuất hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại mà sản phẩm của VN là đối tượng bị điều tra, đồng thời sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các thay đổi trong quy định về phòng vệ thương mại hay "lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại nhằm kịp thời cảnh báo cho các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Khánh, kết quả kiểm tra vụ nhôm đùn có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập vào VN (tập kết tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thấy chưa có vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho doanh nghiệp.
Trị giá của các lô hàng đã được cấp C/O tính đến thời điểm đó cũng chưa nhiều, chỉ chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhôm của doanh nghiệp.
82% sản phẩm xuất khẩu còn lại doanh nghiệp không xin cấp C/O VN. Đặc biệt, lượng sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu, trong đó trị giá xin cấp C/O VN chiếm khoảng 3%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/