|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngăn chặn kịp thời gian lận xuất xứ hàng Việt

06:46 | 09/11/2019
Chia sẻ
Nguyên nhân sâu xa làm gia tăng các vụ việc gian lận thương mại, giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam là do ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ -Trung.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngăn chặn kịp thời gian lận xuất xứ hàng Việt - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có sự giám sát của Quốc hội và vào cuộc của Chính phủ trong việc ngăn chặn tình trạng giả mạo xuất xứ hàng Việt nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế cũng như tránh ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Đừng để Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc

Mới đây, Hải quan Việt Nam phát hiện 1,8 tấn nhôm vào Việt Nam có dấu hiệu “tẩy vết” xuất xứ Trung Quốc để xuất đi các thị trường khác. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?

- Thực tế đã có nhiều vụ việc như vậy xảy ra rồi. Nguyên nhân là do Mỹ áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc. Việc DN nhập hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán mác “made in Vietnam” để xuất đi các quốc gia khác rõ ràng là hành vi gian lận thương mại. 

Chắc chắn khi các nước phát hiện ra hàng hóa xuất sang của nước họ mà có hành vi gian lận, họ sẽ có biện pháp ngăn chặn.

Thứ nhất là trả về nguyên xứ; thứ hai là sẽ áp nguyên mức phạt trên mặt hàng đó nếu biết rõ nguồn gốc hàng hóa ớ xứ nào. 

Riêng đối với Mỹ, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang ở cuộc thương chiến nếu Việt Nam vẫn để tình trạng này xảy ra thì Mỹ sẽ có cớ đổ tội cho Việt Nam tiếp tay cho nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu 25%. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là phía Hải quan cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để nếu mà cuộc thương chiến Mỹ - Trung không được giải quyết và tiếp tục leo thang, Việt Nam sẽ không trở thành đối tượng mà Mỹ trừng phạt.

Không chỉ có mặt hàng nhôm mà nhiều mặt hàng khác như xe đạp, đệm... cũng từng được một số DN dùng nhiều thủ đoạn để vượt mặt cơ quan chức năng nhằm trục lợi từ gian lận xuất xứ. Hành vi này gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Đúng vậy! Rất nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc rồi dán mác “made in Vietnam" để xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Mỹ. 

Chính Mỹ cũng đã biết điều này nhưng họ chưa đụng tới là vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang ở mức độ nghiêm trọng và họ chưa tính đến việc trừng phạt các quốc gia khác có biểu hiện đang trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngăn chặn kịp thời gian lận xuất xứ hàng Việt - Ảnh 2.

Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng.

Theo tôi, hành vi giả mạo xuất xứ hoàn toàn không có lợi đối với nền kinh tế Việt Nam bởi hoạt động này không có giá trị gia tăng cho nền kinh tế. 

Trước mắt nó có thể làm phồng các con số xuất khẩu lên nhưng con số này không nói lên được gì vì hàng nhập khẩu chỉ dùng trạm trung chuyển của Việt Nam để xuất đi.

Có thể chúng ta được hưởng chênh lệch ở một vài khoản phí, giá song về mặt năng lực kinh tế nó hoàn toàn không có đóng góp gì. 

Một điều bất lợi nữa là nếu tiếp tục xảy ra những vụ việc như thế này thì trước nhất Việt Nam được thế giới xem như là quốc gia dung thứ và cho phép những hành vi gian lận thương mại tồn tại, ảnh hưởng uy tín quốc gia.

Tiếp đến là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, đến một lúc nào đó Mỹ sẽ trừng phạt Việt Nam bởi họ coi chúng ta là trạm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc. 

Hiện, Việt Nam đang nằm trong danh sách quan sát lũng đoạn tiền tệ của Mỹ nên chúng ta phải rất cẩn thận.

Vậy điều này có đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc làm sạch thị trường để thực hiện các cam kết khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do không, thưa ông?

- Nếu chúng ta không kịp thời có biện pháp chặn các trường hợp gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, nó có thể tác động đến các Hiệp định thương mại mà chúng ta đang thực hiện, đặc biệt là CPTPP. 

Bởi CPTPP rất đề cao nguyên tắc xuất xứ và các nước trong khối sẽ theo dõi xem ứng xử của Việt Nam về những nguyên tắc xuất xứ như thế nào?

Tôi lấy ví dụ như hàng dệt may, mặt hàng đang sử dụng rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi xuất xứ trở thành là vấn đề lớn thì chắc chắn hàng dệt may Việt Nam đang được hưởng lợi từ CPTPP sẽ bị các quốc gia trong khối điều tra hoặc cho vào tầm ngắm của họ.

Lấp lỗ hổng trong công tác quản lý

Phải chăng công tác quản lý Nhà nước ở Việt Nam còn có lỗ hổng nên những vụ việc gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ vẫn thường xuyên diễn ra?

- Đúng là những vụ việc gian lận thương mại đang thường xuyên diễn ra và ở mức độ ngày càng cao hơn. Tôi cho rằng một phần nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình, nhất là Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương.

Vậy đâu là giải pháp để siết chặt quản lý xuất xứ hàng hóa cũng như ngăn chặn hiệu quả các trường hợp giả mạo xuất xứ?

- Theo tôi, Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương phải có trách nhiệm theo dõi và thực hiện biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. 

Thậm chí, các vấn đề này cần phải được đưa ra Quốc hội để được thảo luận và có giải pháp cụ thể, bởi, cần có một cơ quan độc lập để giám sát việc này khi nó đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. 

Do đó, cùng với Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan là các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp, vấn đề này cần sự giám sát của Quốc hội.

Hiện nay, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Quy định bộ tiêu chí về dán mác “made in Vietnam”. Tuy nhiên, dự thảo này đang được lấy ý kiến rộng rãi và chưa biết khi nào được ban hành chính thức. Ông nghĩ sao về việc ban hành Quy định này?

- Tôi cho rằng, đây là sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhưng chậm còn hơn không. Chúng ta cần có một bộ tiêu chí để định nghĩa rõ ràng thế nào là hàng sản xuất, xuất xứ từ Việt Nam. 

Bởi, nó không những liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà còn liên quan đến tất cả các hiệp định thương mại khác.

Có lẽ chúng ta không thể chờ đến khi có một bộ tiêu chí hoàn hảo, khi mà bộ tiêu chí này cần thông qua, lấy ý kiến xem xét của rất nhiều cơ quan bộ, ngành sẽ mất rất nhiều thời gian. 

Vì vậy, Chính phủ cần ban hành sắc lệnh đặc thù để ngăn chặn tình trạng giả mạo xuất xứ. 

Chẳng hạn như có thể đưa ngay ra quy định hàng hóa Trung Quốc trung chuyển qua Việt Nam mà dán mác xuất xứ Việt Nam là hành vi gian lận thương mại, hành vi này bị xử phạt nặng và cấm đoán tức thì.

Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Ông có khuyến nghị nào dành cho DN Việt giúp họ nâng cao ý thức cảnh giác nhằm đẩy lùi tình trạng giả mạo xuất xứ?

- DN nhập khẩu trong nước cần phải hiểu rằng, tiếp tay cho gian lận thương mại không những không có lợi mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín quốc gia. Bản thân các DN này đối mặt với nguy cơ bị cấm cửa xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Không chỉ có các DN mà VCCI và các hiệp hội mang tính chất ngành nghề cần có biện pháp khuyến cáo các thành viên đề cao cảnh giác, từ bỏ các hành vi gian lận thương mại. 

Muốn đạt hiệu quả thì điều này phải được thực hiện từ dưới lên trên, nghĩa là từ chính bản thân các DN tới các hiệp hội, rồi mới tới các bộ, ngành, Chính phủ.

Theo nhận định của ông, nguyên nhân sâu xa của việc gia tăng các vụ việc giả mạo xuất xứ là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến hết năm 2019?

- Tôi lạc quan về tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đều bị thiệt hại qua cuộc thương chiến khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực. 

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng dù Mỹ bị ảnh hưởng nhưng tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ vẫn được duy trì.

Về phía Trung Quốc có vẻ ảm đạm hơn, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu của Việt Nam, việc họ tiếp tục đẩy hàng hóa vào Việt Nam với lượng lớn, giá rẻ là để bù trừ thiệt hại từ sự trừng phạt của Mỹ. 

Trong trường hợp này, các DN nhập khẩu Việt Nam vẫn có lợi khi những hàng hóa Trung Quốc có chất lượng cao và giá rẻ. 

Do đó, dù chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2019 vẫn duy trì ổn định và phát triển tốt.

Xin cảm ơn ông!

"Dự đoán cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không được giải quyết trong năm 2020, nhưng có thể hai nước sẽ có những thỏa thuận làm dịu tình hình. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ không có chuyện Mỹ chấm dứt sự trừng phạt Trung Quốc bằng áp thuế nhập khẩu hàng hóa ở mức 25% mà khả năng sẽ giảm theo lộ trình. Chính vì vậy, việc ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc trung chuyển qua Việt Nam rồi xuất sang Mỹ phải được chấm dứt ngay." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ánh Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.