|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vụ 4,3 tỉ USD nhôm nghi gian lận xuất xứ: Doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường

12:39 | 14/11/2019
Chia sẻ
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lí về Hải quan, cho biết nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, cơ quan hải quan sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương, VCCI xử lí nghiêm. Hiện tại doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường

Liên quan đến vụ 4,3 tỉ USD nghi gian lận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, trao đổi bên lề sự kiện Kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lí về Hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết hiện tại cơ quan hải quan đang giám sát chặt chẽ lô hàng này.

ảnh_Viber_2019-11-14_12-25-57

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lí về Hải quan, Tổng Cục Hải quan. Ảnh: ĐQ

"Lô hàng này của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu vẫn đang nằm trong kho của doanh nghiệp tại Vũng Tàu. Nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, cơ quan hải quan sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương, VCCI xử lí nghiêm. Hiện tại doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường", ông Tuấn nói.

Theo đó, ông Tuấn cho biết nếu phát hiện gian lận thì điều này thuộc hành vi giả mạo nguồn gốc xuất xứ và sẽ bị xử phạt rất nặng theo qui định tại nghị định 185. 

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị tịch thu hàng hóa. Nếu tiêu thụ trong nước doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế rất cao.

Trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ qui tắc xuất xứ thì Bộ Công Thương và VCCI vẫn cấp giấy chứng nhận xuất xứ bình thường theo qui định.

Trước đó, ngày 6/11, trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết ngay sau khi phát hiện vụ việc Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương đã báo cáo với Chính phủ và phối hợp cùng các bộ, ngành quản lí và xử lí những vấn đề này đặc biệt là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. 

Bà Trịnh Thi Thu Hiền, Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thực tế trên thế giới đã có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu nhôm dài sau đó bán cho một doanh nghiệp khác trong nước để nấu chảy thành nhôm thỏi.

Sau đó, từ nhôm thỏi doanh nghiệp đó lại nấu thành nhôm dài với kích thước gần giống với nhôm nhập khẩu từ ban đầu.

"Về lí thuyết, họ đáp ứng qui tắc xuất xứ trong công đoạn nấu từ nhôm thỏi thành nhôm dài. Nhưng chúng ta cần kiểm tra có đúng là họ nấu từ nhôm thỏi thành nhôm dài hay không? Hay thực tế họ chỉ cắt nhôm dài thành nhiều đoạn khác nhau", bà Hiền cho biết.

Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, tên tiếng nước ngoài là Global Vietnam Aluminium Company Limited (viết tắt là GVA), được thành lập ngày 8/8/2011 với trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, xã Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp này là chỉ duy nhất là Sản xuất nhôm định hình, nhôm anot hóa.

Giấy phép đăng kí kinh doanh năm 2016 cho thấy GVA có vốn điều lệ 1.025 tỉ đồng và đều do người nước ngoài đứng tên sở hữu. Cụ thể cá nhân tên Jacky Cheung và Wang Tong (cùng quốc tịch và nơi đăng kí hộ khẩu tại Australia) nắm lần lượt 10% và 90%. Dù với tỉ lệ góp ít hơn nhưng Jacky Cheung (sinh năm 1981) giữ vai trò Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật

Đến tháng 1/2018, công ty tăng vọt vốn điều lệ đăng kí lên hơn 4.978 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu của hai cá nhân trên giữ nguyên.

H.Mĩ