Bloomberg: Việt Nam trong vòng xoáy chiến tranh thương mại, nhiều NĐT nước ngoài vẫn lạc quan
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Federico Parenti đang tham gia quản lí tài sản tại công ty chứng khoán Sempione Sim SpA (Milan, Italia) nhận định: Tăng trưởng kinh tế cao và kế hoạch chào bán cổ phần tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ bù đắp được những nhân tố bất lợi do tranh chấp thương mại gây ra đối với Việt Nam.
"Tôi không thay đổi quan điểm của mình. Khi đầu tư vào một quốc gia nào đó, chúng tôi phải tính toán cho tương lai dài hạn". Hiện nay Sempione Sim đang quản lí khối tài sản trị giá khoảng 3 tỉ USD bao gồm một số cổ phiếu Việt Nam, trong đó có VNM (Vinamilk) và SAB (Sabeco).
Trong 12 tháng tính đến ngày 15/8/2019, nhà đầu tư nước ngoài đã rót 854 triệu USD vào thị trường chứng khoán có vốn hóa 193 tỉ USD của Việt Nam, mặc dù chỉ số VN-Index không thay đổi nhiều trong gian đoạn này.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: Bloomberg.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số tham chiếu VN-Index đã tăng 10%, đưa Việt Nam nằm ở vị trí top đầu trong các thị trường Đông Nam Á và bỏ xa mức tăng khiêm tốn 0,8% của MSCI AC Asean Index.
Trong nửa đầu năm 2019, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đã mang về cho chính phủ khoảng 5.160 tỉ đồng (tương đương 222 triệu USD). Trong cả năm ngoái, con số thu về là 5.090 tỉ đồng.
Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% "dự báo một tương lai xán lạn cho thị trường vốn", ông Mark Mobius – nhà đầu tư nổi tiếng điều hành Mubius Capital Partners nhận định.
Tuy vậy ông Felix Lam – người quản lí gần 2 tỉ USD cổ phiếu khu vực Châu Á Thái Bình Dương của BNP Paribas cho rằng đa phần nhà đầu tư không thể phớt lờ rủi ro Mỹ sẽ áp thuế quan trừng phạt lên hàng Việt Nam.
Quĩ của ông Lam không nắm giữ cổ phiếu Việt Nam do thanh khoản thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu, nếu thanh khoản tăng lên ông cho biết sẽ sẵn sàng mua vào.
"Nếu đàm phán thương mại kéo dài hơn và lâm vào bế tắc, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng như các quốc gia châu Á khác", ông Lam nói. Tuy nhiên ông nhận định thêm, "Thị giá cổ phiếu có lẽ đã phản ánh khá đầy đủ rủi ro này rồi".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã liên tục gây áp lực về vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng nhanh. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định áp mức thuế suất hơn 400% đối với thép Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tương đương khoảng 20% GDP của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng lên gần 26%.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt xấp xỉ 40 tỉ USD trong năm 2018. Nguồn: Bloomberg/Cục thống kê dân số Mỹ.
Ông Bharat Joshi, người giúp quản lí 650 tỉ USD tại Aberdeen Standard Investments, cho rằng nhu cầu nội địa đủ sức giúp Việt Nam vượt qua những rủi ro liên quan tới căng thẳng thương mại. Quĩ của ông coi cổ phiếu VNM (Vinamilk) là "khoản đầu tư hàng đầu" tại Việt Nam.