'Đặc sản' giảm sâu, tăng sốc ngày đáo hạn phái sinh, lí do vì sao NĐT tổ chức và khối ngoại vẫn thờ ơ
Chứng khoán phái sinh phát triển, NĐT tổ chức và khối ngoại vẫn thờ ơ
Sau 6 năm xác định mục tiêu tại Quyết định 252/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam chính thức đi vào vận hành ngày 10/8/2017.
Mới đây nhất, ngày 28/6, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo chính được ra mắt. Điều này giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn về sản phẩm giao dịch trên thị trường.
Sau gần hai năm vận hành, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng cả về sản phẩm và số lượng nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Về mặt sản phẩm, sau khi gia mắt sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, HNX tiếp tục ra mắt sản phẩm HĐTL trái phiếu Chính phủ vào đầu tháng 7. Như vậy, hiện có 7 mã sản phẩm hợp đồng tương lai.
Về số lượng nhà đầu tư, tính đến cuối tháng 7, có 78.445 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp đôi so với cùng kì năm 2018. Cùng với việc phát triển nhà đầu tư, số lượng công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch phái sinh tăng gấp đôi so với thời điểm mới đi vào vận hành, với tổng số 14 đơn vị.
Ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch UBCKNN trả lời câu hỏi về thu hút NĐT tổ chức tham thị trường chứng khoán phái sinh. Ảnh: Hoàng Linh
Mặc dù có sự phát triển, thị trường chứng khoán phái sinh vẫn chỉ thu hút các nhà đầu tư cá nhân trong nước, với tỉ trọng đa số, chiếm 91,15% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong khi đó, NĐT tổ chức trong nước (gồm khối tự doanh) chiếm tỉ lệ 1.54%.
Đáng chú ý hơn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng rất thấp, chỉ 0,58%.
Câu hỏi đặt ra là lý do vì sao thanh khoản thị trường phái sinh vài nghìn tỉ đồng như vẫn kém hấp dẫn với nhà đầu tư tổ chức?
Đặc sản 'giảm sâu, tăng sốc' phiên đáo hạn HĐTL chỉ số VN30
Theo như quan sát, vào những phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh (thứ Năm, tuần thứ ba hàng tháng), thị trường chứng khoán thường biến động rất mạnh. Sự biến động này không chỉ diễn ra với chỉ số VN30 mà còn cả với thị trường chứng khoán cơ sở.
Gần đây nhất, phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh 15/8, VN-Index giảm 10,86 điểm khi mở cửa, có thời điểm giảm xuống 13,15 điểm. Sắc đỏ chiếm phần lớn thời gian giao dịch, nhưng VN-Index bất ngờ tăng 10,47 điểm vào những phút cuối phiên. Tương tự, VN30-Index mở cửa giảm 6,09 điểm, tăng cao nhất là 10,27 điểm vào cuối phiên.
Thị trường thường biến động mạnh những phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Nguồn: VNDirect
Những phiên biến động mạnh thường diễn ra vào những phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh. Sự biến động này chủ yếu do các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản thấp bất ngờ "tăng trần, giảm sàn" như mã SAB (Sabeco), mã GAS (PV Gas).
Trước thực tế này, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự nghi ngờ về việc thao túng thị trường cơ sở để hướng đến mục tiêu là thị trường chứng khoán phái sinh.
UBCK nói gì về nghi ngờ 'thao túng' thị trường chứng khoán phái sinh?
Với thực trạng trên, người viết đã đặt câu hỏi liệu có việc 'thao túng' các cổ phiếu vốn hóa lớn nhằm tác động đến thị trường chứng khoán phái sinh đối với đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong sự kiện về chứng khoán phái sinh ảo được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Linh
Theo ông Nguyễn Quang Thương, Phó Vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN: "Đúng là hiện tượng như vậy, cũng có nhiều người nói. Cơ quan quản lý về mảng thị trường chứng khoán theo chức năng nhiệm vụ bao giờ cũng làm mọi cách để có thể ngăn ngừa, không cho những hành vi thao túng thị trường có thể xảy ra".
"Tôi cũng từng tham gia một vài cuộc họp của các chuyên gia, việc nhận định có ai đó tác động lên chỉ số là có thật và nhiều người cảm nhận. Tuy nhiên, khi chúng tôi lấy số liệu của VN30, chạy các kịch bản giả định sự thay đổi của chỉ số. Chúng ta biết là chỉ số VN30 chỉ có 30 cổ phiếu, nếu ai đó tác động được đến cổ phiếu nào trong đó thì rõ ràng có thể tác động được đến chỉ số, điều đấy là không tránh khỏi.
Mức độ tác động như thế nào? Mỗi chỉ số đều có bộ quy tắc chỉ số, ví dụ như VN30 do HOSE triển khai. Quy tắc chỉ số đó chúng tôi đã kiểm tra đi kiểm tra lại, hoàn toàn tuân thủ theo thông lệ quốc tế", ông Thương cho biết.
Giải thích thêm về điều này, theo đại diện UBCKNN: "Đi sâu về mặt kỹ thuật, chúng tôi cũng quan tâm đến tỉ lệ về thanh khoản. Khi chúng tôi kiểm tra thì họ cũng không gắn được độ thanh khoản vào chỉ số. Mặc dù chính tôi cũng đã nói với các chuyên gia làm thế nào để cho được vào thì sẽ tốt hơn.
Khía cạnh khác là giới hạn ví dụ trong chỉ số VN30 thì mỗi cổ phiếu đều có tỉ trọng nhất định, tối đa 10% cho mỗi cổ phiếu. Cơ quan quản lý rất quan tâm đến chuyện này, chúng tôi có hẳn một vụ chức năng để mà giám sát, đảm bảo cho thị trường minh bạch nhất".
NĐT tổ chức chưa tham gia thị trường chứng khoán phái sinh vì muốn có mức độ phát triển tốt hơn
Bỏ lại câu chuyện về nghi ngờ về việc thao túng nhằm trục lợi trên thị trường chứng khoán phái sinh của những nhà đầu tư cá nhân trong nước. Một vấn đề khác đặt ra là tại sao thị trường này vẫn kém hấp dẫn với nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại?
Trả lời đặt câu hỏi trên, theo ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch UBCKNN: "Việc thu hút NĐT tổ chức tham gia thị trường phái sinh phụ thuộc rất nhiều vào thị trường cơ sở, và trái phiếu Chính phủ phải đạt quy mô lớn hơn nữa. Họ chưa tham gia vì họ cũng muốn có mức độ phát triển tốt hơn. Nhà đầu tư tổ chức họ vào thì cần nhiều công cụ hơn nữa. Tôi nghĩ rằng với tốc độ phát triển như này thì tôi tin là trong thời gian tới sẽ đạt được".
Kinh nghiệm từ Đài Loan, trước khi có thị trường phái sinh, thị trường này có 5 năm mở bảng giao dịch phái sinh thực tế để cho các tổ chức, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tiếp cận. Sau đó để nguyên như thế và thiết lập thị trường, 6 năm sau mới có bước phát triển.
"Thường thì sau một thời gian như vậy thì thị trường sẽ phát triển rất lớn, quy mô có những thời kì hơn thị trường cơ sở. Nên tôi tin rằng Việt Nam khi đã phát triển được quy mô lớn thì NĐT nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường này", ông Vũ Bằng nhấn mạnh.
"Khuyến khích NĐT nước ngoài cũng đang là chính sách mà Luật chứng khoán cũng đang sửa đổi. Tôi nghĩ rằng Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư cũng sẽ có những thay đổi để sắp tới có một cái nhìn nhận về đầu tư nước ngoài cả gián tiếp và trực tiếp trên một mặt bằng xử lý đồng bộ hơn nữa để mà thu hút vốn đầu tư nước ngoài", Nguyên Chủ tịch UBCKNN nói thêm.