|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Tăng nhập khẩu hàng hóa để né thuế quan, hệ thống kho bãi ở Mỹ đã chật cứng

10:30 | 10/08/2019
Chia sẻ
Là một phần của khu vực thương mại hàng hải rộng lớn Inland Empire, khu nhà kho rộng 1,8 tỉ feet vuông ở ngoài rìa Los Angeles đã gần kề công suất tối đa vì DN Mỹ tăng dự trữ hàng hóa để né thuế quan. 
Hiện trạng này cho thấy tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình cảnh rối ren của chuỗi cung ứng.

1

Container chất chồng tại cảng Los Angeles vào ngày 7/5. (Ảnh: Bloomberg)

Một trong những nhà kho lớn nhất thế giới và tiếp nhận gần một nửa hàng hóa Trung Quốc đang chật cứng

Di chuyển một quãng ngắn ra ngoài địa phận thành phố Los Angeles, một trong những khu nhà kho lớn nhất thế giới đang tọa lạc ngay tại đó.

Ông Gene Seroka cho biết khu nhà kho rộng 1,8 tỉ feet vuông (tương đương hơn 167.000 m2) thuộc sở hữu của ông, vốn đủ công suất để chứa 9 triệu chiếc xe hơi, hiện đang chật cứng, không còn chỗ chen chân.

Nhà kho này là một phần của khu vực Inland Empire, chuyên phục vụ cho cảng Long Beach và cập cảng sinh đôi của Los Angeles. Ông Seroka là giám đốc điều hành của khu nhà kho rộng lớn nói trên.

Bên cạnh phục vụ cho các cảng trong nước, khu nhà kho này còn xử lí gần một nửa thương mại hàng hải giữa Mỹ với Trung Quốc. Nếu sống ở Mỹ, đặc biệt là ở nửa phía tây, bàn chải đánh răng, tivi hoặc giày đều phải đi qua Inland Empire.

Các cơ sở kho bãi chật cứng là hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và là một ví dụ minh họa cho tình trạng chuỗi cung ứng rối ren lên vì cuộc thương chiến. Hiện trạng này buộc doanh nghiệp phải tự ứng biến để cứu lấy bản thân.

Tuy nhiên, khi thuế quan tiếp tục tăng, doanh nghiệp đang dần cạn kiệt giải pháp để né tránh chúng.

Hàng hóa nhập khẩu đã chất chồng ở khu nhà kho của ông Seroka hơn một năm qua, cung cấp một loại "van an toàn" cho hơn 200.000 doanh nghiệp Mỹ hiện sử dụng các cảng biển ở California, từ Home Depot đến Walmart.

Họ có thể đẩy hàng hóa qua hải quan bất cứ khi nào Tổng thống Trump đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu và tiết kiệm hàng triệu USD trong một số trường hợp.

Sau đó, họ có thể lưu kho hàng hóa tại Inland Empire cho đến thời điểm giao hàng, đôi khi nhiều hơn vài tuần hoặc vài tháng so với thông thường.

Hiện tại, ông Seroka cho biết không gian dự phòng đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy ở khoảng 1 - 2%. Hay nói cách khác, nếu cố tiếp nhận thêm hàng hóa, xe nâng hàng hay việc đi bộ trên lối đi cũng là không thể.

Thời hạn thuế quan mới càng cận kề, càng nhiều vấn đề phức tạp lộ diện

Do đó, các công ty không thể lặp lại chiến lược tiết kiệm chi phí này khi thời hạn thuế quan mới (ngày 1/9) đến.

Tổng thống Trump vào tuần trước tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu đánh thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc mà trước đó chưa được liệt kê vào danh sách thuế.

Sau đó, Mỹ chính thức gắn mác kẻ thao túng tiền tệ cho Trung Quốc vào ngày 5/8, gây leo thang nhanh chóng cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Đối với các nhà nhập khẩu, khả năng tải trước hàng hóa với khối lượng lớn như họ từng tiến hành vào năm ngoái đang mất đi, ông Jock O'Connell, cố vấn thương mại quốc tế tại Beacon Economics, cho hay.

Trao đổi với Bloomberg, ông O'Connell cũng cho biết không chỉ có các nhà kho gần khu cảng mới rơi vào tình trạng căng thẳng.

"Sự gia tăng hàng nhập khẩu vào cuối năm ngoái do lo ngại về thuế quan cao hơn khi kết hợp cùng đợt bùng nổ liên tục của ngành thương mại điện tử đã tạo ra nhu cầu lớn chưa từng thấy đối với không gian kho bãi".

Điều này đã mang lại lợi ích cho các chủ sở hữu bất động sản công nghiệp như Prologis, một trong các chủ nhà kho lớn nhất thế giới kiêm chủ sở hữu nhà kho lớn trong khu vực Inland Empire.

Các doanh nghiệp đã tích lũy khối lượng lớn hàng hóa và lúc này phải đối mặt với áp lực loại bỏ hàng tồn kho. Vào tháng 6 năm nay, tốc độ tích trữ hàng hóa thường niên đã tăng lên mức 7,9%, mức cao nhất trong vào 6 năm.

Sự việc trên đã tạo ra nhiều câu đó khó giải đáp, ông O'Connell nói. Ông nhớ lại việc ghé thăm một cửa hàng ở Sacramento trong đợt nắng nóng 95 độ F (tương đương 35 độ C) và tìm thấy một chiếc áo khoác mùa đông đang được trưng bày.

Tình trạng tắc nghẽn tại các nhà kho có thể gia tăng hơn nữa, vì thuế quan mới áp lên Trung Quốc trùng với đợt mua sắm mùa tựu trường và nếu Tổng thống Trump tăng thuế như đã đe dọa, vấn đề có thể tồi tệ hơn vì rơi trúng vào mùa lễ.

Các cảng biển ở California không thể xử lí nhiều chuyến hàng như trong năm ngoái, khi mà hàng hóa nhập khẩu tăng lên mức kỉ lục một cách vội vã nhằm tránh thuế quan.

Tuy nhiên, áp lực lên không gian kho bãi đồng nghĩa rằng hệ thống hàng hải đang bị dồn nén theo nhiều cách khác nhau, ông Seroka nói. Các hãng tàu bị kẹt cứng với container rỗng không, chờ hàng hóa để xuất khẩu trở lại châu Á. Đồng thời, thời gian chờ để chuyển hàng từ container lên tàu hỏa và xe tải trên bờ cũng lâu hơn.

Trong khi khu nhà kho bị nhồi nhét quá tải phản ánh chiến lược ngắn hạn mà các nhà nhập khẩu Mỹ áp dụng, nhật kí vận chuyển của các cảng biển cũng cho thấy tác động dài hạn từ cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Chẳng hạn, sự sụt giảm về số lượng chuyến hàng đến cảng biển tại Mỹ trong năm nay cho thấy hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã chững lại đáng kể, tuy nhiên lưu lượng hàng hóa từ các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Việt Nam, đang tăng lên.

Yên Khê