Bloomberg: Không phải thương chiến, nền kinh tế nội địa Trung Quốc mới là mối họa với tăng trưởng toàn cầu
Ảnh: South China Morning Post
Giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ tăng mua hàng hóa từ Mexico, Việt Nam
Tổng giao dịch thương mại của Mỹ không hề giảm xuống. Ngược lại, nó đang tăng trưởng ở mức ngang bằng hoặc chỉ ngay dưới tốc độ đã kéo dài hàng thập kỉ qua.
Sự sụt giảm trong các chuyến hàng đến và đi từ Trung Quốc của Mỹ đã được bù đắp bằng giao dịch thương mại với các đối tác như Việt Nam và Mexico.
Nguồn: Bloomberg
Trên một thị trường toàn cầu rộng lớn, nơi mà hàng hóa có thể dễ dàng được thay thế, nhà sản xuất sẽ bắt tín hiệu giá và chuyển sang các nhà cung ứng khác. Đó là những gì đang diễn ra hiện nay, khi thuế quan trừng phạt của Mỹ đẩy chi phí nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tăng lên.
Do đó, ngay cả khi tăng trưởng chững lại đáng kể, tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không gây ra bất kì sự chênh lệch nào trong hoạt động thương mại toàn cầu.
Mối họa thực sự: Trung Quốc đang giảm nhập khẩu hàng hóa
Theo Bloomberg, sự thay đổi thú vị hơn nằm ở mô hình giao dịch thương mại của Trung Quốc. Trong khi cơ cấu các mặt hàng doanh nghiệp Mỹ thu mua không thay đổi nhiều so với xu hướng dài hạn, Trung Quốc lại đang giảm nhập khẩu hầu hết mặt hàng từ nhiều đối tác ở các khu vực địa lí khác nhau.
Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ phần còn lại của thế giới đã giảm 5%. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao hoạt động thương mại của Mỹ và Trung Quốc lại khác biệt như vậy.
Bloomberg nhận định có ba lí do chính.
Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tốc độ 6% thường xuất hiện trên mặt báo. Doanh số bán sản phẩm tiêu dùng từ điện thoại thông minh đến xe ô tô, máy rửa chén,...đều giảm hoặc đi ngang.
Nguồn: Bloomberg
Tương tự, hoạt động kinh doanh các mặt hàng đặc biệt như máy gia công có độ chính xác cao có xuất xứ từ Nhật Bản và Đức cũng giảm, trong khi đây là nhóm sản phẩm dành cho thị trường Trung Quốc và không chỉ đơn thuần là đầu vào cho hàng hóa xuất sang Mỹ.
Thứ hai, Bắc Kinh dường như đang triển khai một kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài nhằm mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trong nước, ngay cả khi hàng hóa nội địa có mức giá cao hơn.
Các quốc gia như Australia sản xuất quặng sắt và than rẻ hơn so với doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng trong nước của nhóm mặt hàng này đã vượt qua mức tăng từ nhập khẩu. Bất kể đó là chất bán dẫn hay hàng hóa, Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu.
Thứ ba, việc thiếu thanh khoản đồng USD đang hạn chế khả năng Trung Quốc tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Tình trạng rò rỉ thanh khoản đã làm suy yếu tính hiệu quả của các qui định về giao dịch ngoại hối.
Các qui định trên buộc hệ thống ngân hàng thương mại tại đất nước tỉ dân chỉ được chuyển một USD ra nước ngoài cho mỗi USD họ thu vào.
Giao dịch thương mại của Trung Quốc không đủ khả năng để hòa vốn, nên Trung Quốc cần phải tạo ra một khối thặng dư lớn để bù đắp khoản rò rỉ này.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu về nguyên liệu thô trên toàn cầu, cụ thể nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm hơn 50% tăng trưởng sản lượng hàng năm.
Do đó, nhập khẩu giảm có tác động lan tỏa rất lớn. Câu hỏi cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới hiện giờ là liệu đây chỉ là hiện tượng mang tính tạm thời hay mang tính cấu trúc.
Với một nền kinh tế nặng gánh nợ nần, tăng trưởng chững lại và dân số già hóa nhanh chóng, Trung Quốc gần như không thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng trước năm 2015.
Tin tức về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể thu hút sự chú ý nhưng thực tế thì đáng lo ngại hơn nhiều. Bất kể điều gì xảy ra với mối quan hệ thương mại song phương giữa Washington và Bắc Kinh, kỉ nguyên tăng trưởng nóng của Trung Quốc đang đi đến hồi kết.