|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bí ẩn âm tính rồi dương tính lại của bệnh nhân COVID-19

11:33 | 05/05/2020
Chia sẻ
Việc bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona dù từng được tuyên bố hồi phục đang là bí ẩn đối với các bác sĩ và nhà khoa học trên thế giới.

Hơn 30 bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc, bao gồm thành phố Vũ Hán, từng hồi phục sau thời gian điều trị COVID-19 nhưng lại cho ra kết quả dương tính trong các cuộc xét nghiệm gần đây, tờ Tài Tân (Trung Quốc) ngày 24/4 dẫn lời ông Jiao Yahui, thanh tra tại Uỷ ban Y tế Quốc gia, cho biết.

Phần lớn những bệnh nhân trên đã có kết quả xét nghiệm âm tính qua phân tích mẫu dịch họng vào khoảng ngày thứ 20 kể từ được xác nhận mắc bệnh. Theo các bác sĩ, một số bệnh nhân cần thời gian dài hơn, khoảng 40 ngày, mới cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia bối rối là vài người từng được tuyên bố khỏi bệnh sau đó lại có kết quả dương tính trở lại dù họ không thể hiện triệu chứng nào.

Bí ẩn âm tính rồi dương tính lại của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 1.

Học sinh phổ thông tại một trường học ở tỉnh Hồ Bắc được lấy mẫu để xét nghiệm virus Corona. Ảnh: Reuters.

5-10% ca ở Vũ Hán dương tính trở lại

Trong giai đoạn 18-22/3, tâm dịch Vũ Hán báo cáo không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới nào từ người sang người. Kết quả này được xem là giai đoạn bước ngoặt trong nỗ lực khống chế bệnh dịch của Vũ Hán.

Sau khi trải qua 76 ngày phong toả chưa từng có tiền lệ nhằm khống chế dịch, Vũ Hán ghi nhận 50.333 ca nhiễm bệnh tính đến ngày 27/4, trong đó 46.464 bệnh nhân đã hồi phục. Họ được xem là khoẻ mạnh hoàn toàn và cho xuất viện sau khi trải qua hai lần xét nghiệm có kết quả âm tính.

Tuy nhiên, một số cơ sở cách ly theo dõi bệnh nhân sau khi xuất viện, báo cáo khoảng 5-10% bệnh nhân từng được tuyên bố hồi phục lại cho ra kết quả xét nghiệm dương tính, theo trang NPR (Mỹ). Một số trong nhóm này không thể hiện triệu chứng nào ra ngoài.

Vào ngày 10/4, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết 91 bệnh nhân từng được điều trị hồi phục đã cho ra kết quả dương tính trong lần xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR, theo Reuters.

Cuối tháng 2, Nhật cũng ghi nhận một trường hợp ở Osaka, vốn là nhân viên dẫn tour du lịch, bị chẩn đoán dương tính lại sau khi từng được xét nghiệm âm tính. Đây cũng là trường hợp tái nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản.

Những phát hiện trên dấy lên câu hỏi về khả năng tái nhiễm của những người từng được điều trị hồi phục, và các bệnh nhân này có thể tiếp tục phát tán virus đến người khác trong bao lâu?

Tình trạng tái nhiễm đặt ra thách thức cho những nỗ lực toàn cầu về việc khống chế dịch bệnh song song với mở cửa lại nền kinh tế, khi tình hình dịch có vẻ tạm lắng ở một số nơi.

Bí ẩn âm tính rồi dương tính lại của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng để được xét nghiệm ở Vũ Hán. Ảnh: Getty Images.

Dương tính đến 49 ngày

Một bí ẩn khiến các bác sĩ bối rối chính là khả năng tồn tại lâu hơn bình thường của virus trong cơ thể một số bệnh nhân.

Cuối tháng 3, báo cáo của hai bác sĩ quân y tại Vũ Hán, Wang Qingshu và Niu Hongming, đề cập đến trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính trong giai đoạn đến 49 ngày, theo Tài Tân.

Bệnh nhân này là nam giới trung niên, bị sốt và có các triệu chứng khác kể từ ngày 25/1. Ông đã hồi phục sau một tuần điều trị. Tuy nhiên, ông tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 8/2, sau khi một người nhà bị phát hiện mắc bệnh. Các bác sĩ đã tiến hành 9 lần xét nghiệm axit nucleic với người đàn ông này vào những tuần sau đó, và chỉ duy nhất kết quả của ngày 11/3 thể hiện âm tính.

Bệnh nhân cũng được thực hiện hai xét nghiệm kháng thể vào cuối tháng 2 và giữa tháng 3, trong đó một lần cho ra kết quả dương tính và một lần là âm tính. Những kết quả này cho thấy tình trạng nhiễm bệnh vẫn tồn tại một khoảng thời gian nhưng mức độ cấp tính yếu dần.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị huyết tương vào ngày 15/3, và có biểu hiện sốt cao vài tiếng sau. Nhiệt độ cơ thể ông trở lại bình thường vào hôm sau. Đợt xét nghiệm của hai ngày kế tiếp cho ra kết quả âm tính.

“Nếu không được điều trị huyết tương thì bệnh nhân này có thể chuyển sang giai đoạn lây nhiễm mãn tính. Chúng ta cần phải biết bao nhiêu người có thể xuất hiện tình trạng tương tự”, hai bác sĩ viết trong hồ sơ.

Tuy nhiên, họ vẫn không thể khẳng định những bệnh nhân tái nhiễm như vậy có thể tiếp tục lây lan cho người khác hay không; hoặc quá trình nhiễm bệnh của họ có thể kéo dài bao lâu.

Âm tính giả và dương tính giả

Các nhà dịch tễ học Trung Quốc nhận định những bệnh nhân hồi phục rồi tái nhiễm không hẳn là nguồn lây nhiễm mạnh, và khả năng con người có thể mang virus này trong cơ thể suốt đời là rất thấp, theo tờ Tài Tân.

Rong Meng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh, cho rằng kết quả xét nghiệm dương tính sau một thời gian dài không có nghĩa là virus vẫn hoạt động.

Một bác sĩ khác, Cai Weiping tại Bệnh viện Nhân dân 8 ở Quảng Châu, nói giới chuyên môn vẫn chưa thống nhất việc các đối tượng tái nhiễm có thể trở thành nguồn lây lan mới hay không, nên vẫn cần nghiên cứu để hiểu rõ vấn đề.

Một giả thiết được đề cập là các bệnh nhân từng được chẩn đoán âm tính giả, vốn xảy ra khi xét nghiệm từ lấy dịch họng hoặc dịch mũi chưa đúng cách nên không phát hiện virus trong mẫu.

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về virus corona và sau này qua đời vào tháng 2, đã được chẩn đoán âm tính đến vài lần trước khi được phát hiện dương tính.

Hồi tháng 2, Wang Chen, Viện trưởng Học viện Khoa học Y dược Trung Quốc, nói các kết quả xét nghiệm axit nucleic thực hiện ở nước này chỉ thành công trong việc chẩn đoán dương tính khoảng 30-50%, theo NPR.

Giả thiết khác cho rằng các xét nghiệm phóng đại để tìm kiếm đến từng thành phần nhỏ DNA của virus, khiến xác của virus trong cơ thể người bệnh bình phục cũng được tìm thấy, dẫn đến kết quả dương tính mới. “Đó là những kết quả dương tính giả”, Tiến sĩ Jeffrey Shaman, giáo sư khoa học y tế môi trường tại Đại học Columbia, nói với NPR.

Zhang Boli, Hiệu trưởng Đại học Y học Cổ truyền Thiên Tân, nói các phân tích bộ gien của virus trong cơ thể bệnh nhân hồi phục cho thấy virus đã bất hoạt. Điều này có nghĩa những xét nghiệm tiếp sau chỉ phát hiện có sự tồn tại của vật chất di truyền của virus trong cơ thể bệnh nhân.

Đồng tình với góc nhìn này, Richard Condit, chuyên gia sinh học phân tử tại Trường Y khoa thuộc Đại học Florida, nói các xét nghiệm hiện tại không đủ độ nhạy để phân biệt một trường hợp virus vẫn hoạt động với trường hợp virus bất hoạt tồn tại trong cơ thể người bệnh bình phục.

“Xét nghiệm PCR chỉ nhằm khẳng định có tồn tại vật chất di truyền của virus trong cơ thể, chứ không phải khẳng định độ hoạt động của virus”, ông nói với Quartz.

Cho đến trước khi giới chuyên môn thống nhất về quan điểm, những bệnh nhân bị xét nghiệm dương tính trở lại vẫn phải được cách ly và theo dõi tiếp tục, bác sĩ Cai nói với tờ Tài Kinh.

Minh Anh