Vì sao các ca COVID-19 'tái dương tính' sau khi ra viện?
Theo cổng thông tin Chính phủ, trao đổi về những người lành mang bệnh hoặc trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 rồi lại dương tính trở lại, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết có một số giả thiết đặt ra về chuyên môn với những trường hợp người bệnh này.
Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ hai là khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt - xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ ba là trường hợp người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
Cuộc chiến COVID-19 sẽ phức tạp hơn khi xuất hiện các trường hợp tái dương tính. Theo thông tin báo chí, Hàn Quốc hiện cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) công bố 160 bệnh nhân dương tính lại sau trung bình 13,5 ngày ra viện, Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra về các trường hợp này.
"Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương thì giao cho hai labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, thời gian tới ngành y tế sẽ tiến hành lấy mẫu hết tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa, để xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt được virus hay không.
"Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.
Công việc này phải làm trong labo an toàn sinh học cấp 3. Hiện Bộ Y tế đã giao cho hai labo là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM thực hiện hai kĩ thuật này, để từ đó sớm có câu trả lời khoa học.
Theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân COVID-19 đã ra viện
Trước đó, ngày 15/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Tiểu Ban điều trị đã có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng tại địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra, quản lý, theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh COVID-19 sau khi ra viện.
Khi kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà của người bệnh COVID-19 kể từ ngày ra viện, bệnh viện đã điều trị người bệnh phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương, cơ quan y tế và đơn vị liên quan nơi người bệnh cư trú tiến hành làm lại xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh (kỹ thuật RT PCR).