|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bệnh tình của ông Trump phơi bày căng thẳng trên thị trường chứng khoán Mỹ

22:52 | 05/10/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ phải rào chắn những bất ổn từ cuộc bầu cử tổng thống, quá trình hồi phục kinh tế và gói cứu trợ COVID-19. Việc ông Trump phải vào viện vì COVID-19 càng khiến cho lo ngại của nhà đầu tư tăng thêm.
Bệnh tình của ông Trump phơi bày căng thẳng trên thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)

Tổn thất trên thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày thứ Sáu tuần trước (2/10) sẽ chỉ được lịch sử ghi nhận như một sự kiện nhỏ trong một tuần đầy biến động. Nhưng khi xem xét kĩ hơn, những mất mát này cung cấp ví dụ về cuộc giằng co dữ dội đang bao trùm thị trường và rất có thể sẽ leo thang trong thời gian tới.

Có hai tin tức đáng chú ý xuất hiện trước khi chứng khoán Mỹ mở cửa ngày 2/10.

Tin đầu tiên và quan trọng nhất là tweet từ Tổng thống Trump xác nhận rằng ông và vợ xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ngay lập tức, thị trường hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ báo hiệu Dow Jones giảm 500 điểm khi mở cửa.

Dự báo này phù hợp với những bất ổn mà thông tin trên gây ra, từ lo ngại về sức khỏe của ông Trump và những quan chức Nhà Trắng khác cho đến hệ lụy tới cuộc bầu cử, kích thích tài khóa và nền kinh tế. Việc có rất ít câu trả lời cho những nghi vấn nảy sinh càng khiến triển vọng của kinh tế và chứng khoán Mỹ khó đoán định hơn.

Một giờ trước khi thị trường mở cửa, nhà đầu tư nhận được thông tin đáng lo ngại thứ hai từ báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ. Số việc làm được tạo ra trong tháng 9 thấp hơn so với dự đoán của giới chuyên gia và thấp hơn một nửa con số tháng 8.

Báo cáo việc làm củng cố thêm nhận định rằng tốc độ phục hồi kinh tế đang ở mức vừa phải, thấp hơn nhiều so với kì vọng. Tỉ lệ thất nghiệp giảm nhưng xu hướng này diễn ra trong khi hàng loạt lao động thoái chí rời khỏi thị trường lao động. Do vậy, lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế trong thực tại và tương lai càng căng lên.  

Bất chấp các yếu tố tiêu cực trên, mức sụt giảm của chỉ số Dow Jones và S&P 500 lại khá thấp khi thị trường mở cửa. Dow Jones có lúc còn tăng điểm trước khi giảm 134 điểm khi kết phiên. S&P 500 chỉ mất 1%. Nasdaq Composite tụt hậu, sụt 2,2%.

Những thông tin trong cuối tuần càng làm tăng thêm bất ổn trong ngày 2/10. Việc ông Trump chuyển tới bệnh viện Walter Reed được nối tiếp bởi những thông tin trái chiều về tình hình sức khỏe của ông.

Nhiều quan chức Nhà Trắng khác cũng đã thông báo bị mắc COVID-19. Các lãnh đạo Thượng viện báo hiệu rằng các cuộc thảo luận của họ trong hai tuần tới sẽ bị cắt giảm đáng kể vì virus.

Tất cả những điều trên nhấn mạnh rủi ro và hệ lụy của COVID-19 tới người Mỹ. Nếu ngay cả người đứng đầu đất nước cũng không thoát khỏi COVID-19 thì nguy cơ người dân phải đối mặt lớn đến đâu?

Chiều hướng suy nghĩ trên khiến cho nỗi lo càng tăng lên, phủ bóng đen lên triển vọng tiêu dùng, nhu cầu, một số hình thức dịch vụ và cuộc phục hồi kinh tế nói chung.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc về gói cứu trợ mới, còn vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 vẫn chưa xuất hiện.

Thị trường quyền chọn phản ánh bất ổn sát sao hơn thị trường giao ngay. Xét theo hình dạng của biểu đồ chỉ số sợ hãi VIX và sự cân bằng của các hoạt động mua bán quyền chọn tuần trước, có vẻ nhà đầu tư đang đề phòng cho sự biến động kéo dài suốt nhiều tháng. Nhà đầu tư thiên về chiều hướng giá tài sản giảm.

Thị trường giao ngay vẫn chưa đi đến giai đoạn trên. Hoạt động mua vào cổ phiếu sau nhịp giảm giá mạnh vẫn đang thống trị thị trường, với lí do biện hộ là là nhà đầu tư có ít lựa chọn ngoài cổ phiếu và lo sợ bỏ lỡ các cơ hội hấp dẫn.

Đằng sau hành động của nhà đầu tư là sự sẵn lòng của ngân hàng trung ương trong việc bơm thanh khoản vào thị trường, gần như không quan tâm đến hậu quả của việc tách rời thị trường tài chính với nền kinh tế thực.

Sự phát triển của mớ hỗn độn này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các cả danh mục đầu tư lẫn nền kinh tế toàn cầu.

Trong kịch bản tốt, hành động được dẫn dắt bởi thanh khoản của nhà đầu tư sẽ trở thành cầu nối cải thiện các yếu tố cơ bản cho phù hợp với mức giá đắt đỏ hiện nay của tài sản. Trong kịch bản xấu, bất ổn tài chính sẽ tăng thêm trở ngại tới cuộc phục hồi kinh tế mà Mỹ đang rất cần.

Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.