|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BĐS khu công nghiệp 'giữa hai làn nước' EVFTA và COVID-19

12:12 | 03/03/2020
Chia sẻ
Nếu trong năm 2019, thị trường BĐS khu công nghiệp Việt Nam được đánh giá thừa hưởng nhiều lợi thế từ địa chính trị thế giới thì đến năm nay, phân khúc này đang chịu tác động bởi hai yếu tố đối cực: EVFTA và COVID-19.

Năm 2019 đánh dấu 10 năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng liên tục. Theo thống kê của Tổng cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng kí mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỉ USD, tăng 17,2% so với cùng kì năm 2018 và vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỉ USD, tăng 6,7%.

Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1/2020, Việt Nam đã thu hút được 5,3 tỉ USD vốn FDI, tương ứng tăng 180% cùng kì. Trong đó, có 4,5 tỉ USD đã được đổ trực tiếp vào các dự án FDI mới.

Hầu hết dòng vốn chảy vào các ngành sản xuất điện, nước và khí đốt, kế đến là ngành sản xuất và chế biến.

Theo đánh giá của Savills, các hiệp định Thương mại tự do (FTA) và mạng lưới thương mại tòan cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trở thành đích đến chính của FDI.

Song, điều này cũng sẽ làm nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có sự sụt giảm về nguồn cầu trên phạm vi toàn cầu.

EVFTA hứa hẹn mở rộng nhóm khách thuê

Thông tin Nghị Viện Châu Âu vừa chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) là gia tăng triển vọng cho các ngành kinh tế Việt Nam.

Dự kiến tháng 5 năm nay, Quốc hội sẽ phê chuẩn hiệp định - bước cuối cùng trước khi hiệp định chính thức có hiệu lực đầy đủ.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định: "EVFTA tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao hơn như các thiết bị công nghệ cao, điện tử, xe cộ và y tế.

Các mạng thương mại toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau, cho phép nhập khẩu đầu vào hoặc hàng hóa trung gian rẻ hơn. Từ đó, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, thông qua các đối tác nước ngoài, Việt Nam có thể gặt hái những lợi ích từ việc chuyển giao kiến thức và công nghệ đi kèm." 

Theo ông John Campbell, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ mở cửa cho các nhà sản xuất châu Âu ở các ngành công nghiệp như thực phẩm, đồ uống, phân bón, gốm sứ và vật liệu xây dựng.

Ngược lại, việc loại bỏ thuế quan cũng sẽ có lợi cho các ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Châu Âu, bao gồm sản xuất điện tử, điện thoại thông minh, dệt may và nông sản.

"Kể từ tháng 6/2019, nhiều nhà đầu tư BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam tin rằng EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, qua đó mở rộng nhóm khách thuê hơn.

Khi thỏa thuận này được phê chuẩn trong năm nay, các nhà đầu tư càng kì vọng sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu vào những năm 2020 và 2021", ông John Campbell nói.

Khi nguồn cầu vượt xa nguồn cung và tỉ lệ lấp đầy ở các tỉnh công nghiệp trọng cao (75%) thì các khu sản xuất có vị trí gần các thành phố lớn và cảng biển lớn ngày càng cạnh tranh hơn.

BĐS KCN Việt Nam ở thế giằng co giữa EVFTA và COVID-19 - Ảnh 2.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam.

COVID-19 gây lo ngại thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng

Trước sự bùng phát của dịch virus COVID-19, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng, kể cả phân khúc BĐS khu công nghiệp vốn được đánh giá nhiều triển vọng.

Theo Savills, COVID-19 chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong quí 1 và thậm chí là quí 2/2020 và Việt Nam - quốc gia có mối quan hệ giao thương gần gũi với Trung Quốc dĩ nhiên không ngoại lệ.

Ông John Campbell cho rằng, "mặc dù đầu tư nước ngoài vào phân khúc BĐS khu công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốt nhưng COVID-19 đã gây ra những lo ngại về tình trạng thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong quý 1/2020.

Tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc kéo dài từ kì nghỉ Tết Nguyên đán do COVID-19 đã khiến cho việc sản xuất bị ít đi, chưa kể các nhà máy còn bị đóng cửa tạm thời.

Theo đó, nhiều khả năng gây ảnh hưởng đến hàng loạt nhà sản xuất Việt Nam có liên kết chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc."

Savills dẫn số liệu từ trang Trading Economics, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2020 của Việt Nam giảm 5,5% so với cùng kì. Đây là lần đầu Việt nam ghi nhận giảm sản lượng kể từ tháng 1/2017.

"Việc giảm chỉ số về sản lượng sản xuất được cho là hệ quả của kì nghỉ Tết Nguyên đán đến tương đối sớm vào cuối tháng 1. Do đó, chưa thể để đánh giá việc giảm chỉ số này có liên quan trực tiếp đến Covid 19", ông John Campbell cho hay.

Nguyên Ngọc