|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản ngóng nguồn cung mới

07:34 | 06/10/2021
Chia sẻ
Chịu tác động kép bởi những chồng chéo giữa các luật và đại dịch COVID-19 kéo dài, nguồn cung căn hộ trên thị trường bất động sản vốn đã khan hiếm lại không có nhiều cơ hội để cải thiện.

Nguồn cung căn hộ thấp nhất 5 năm

Bất động sản ngóng nguồn cung mới - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản khan hiếm nguồn cung căn hộ. (Ảnh minh họa: Khải An).

Tình trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ đã xuất hiện trên thị trường bất động sản từ năm 2019. Một số quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và Luật Đất đai chồng chéo khiến nhiều dự án gặp vướng mắc, gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trong ba năm (2015 - 2018), TP HCM có đến 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư, do dự án không đáp ứng điều kiện có 100% đất ở, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường,… và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm nguồn cung nhà ở.

Từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản liên tiếp trải qua các đợt "ngủ đông" do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các đợt bùng phát của dịch COVID-19. Nhiều dự án bị tạm dừng việc triển khai và mở bán khiến thị trường khiến nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt nay không có cơ hội để cải thiện.

Trong khi đó, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản hiện nay đa phần hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện. Nguồn cung căn hộ trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Riêng trong quý III/2021, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản sụt giảm khá mạnh do diễn biễn phức tạp của đợt dịch bùng phát lần thứ tư kéo dài.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể, lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến BĐS toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.

Loại hình có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng/nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền.

Đáng chú ý, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá bất động sản tại TP HCM và Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ.

Theo đó, giá chào bán chung cư tại TP HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.

Chờ sửa luật để cởi trói cho các dự án

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6505 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở). Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hộ Bất động sản TP HCM, việc sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ ngay các khó khăn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất mà không thể triển khai thực hiện được dự án.

Từ đó, nút thắt tồn tại trên thị trường bất động sản sẽ được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói. Nguồn cung nhà ở thương mại cho người dân cũng được cải thiện, góp phần ghìm đà tăng của giá nhà trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi bóng đen của đại dịch.

Ngoài ra, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022. Luật đất đai sửa đổi sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, chồng chéo để các dự án được khơi thông,...

Trong khi đó, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép các công trình xây dựng được hoạt động trở lại như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Thủ Đức,...

UBND TP HCM vừa qua cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, các địa phương, ban quản lý,... xem xét, quyết định cho các công trình được phép xây dựng hoạt động lại.

Dự báo về tình hình thị trường những tháng cuối năm, VARs cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc và các nhà thầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID- 19 có thể sẽ phục hồi khoảng 50%. Hoạt động M&A cũng sẽ không diễn ra nhiều và chủ yếu nằm ở các dự án nhỏ.

Lượng khách hàng có nhu cầu mua nhà, phục hồi và phát sinh nhu cầu mua nhà sẽ không cao trong quý IV. Tuy nhiên, thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều F0 làm gia tăng lực cầu đầu tư (ước tăng khoảng 50%) so với cùng kỳ các năm 2018 và 2019.

Hà Lê