|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bùng nổ nhu cầu mua bán bất động sản sau dịch

07:54 | 13/11/2021
Chia sẻ
Lượng tin rao bán nhà đất trên các kênh online ghi nhận tăng 135% so với tháng 9. Riêng TP HCM đã chứng kiến mức tăng vọt với 358%, cho thấy một lượng hàng rất lớn đang được tung ra thị trường.
Bùng nổ nhu cầu mua bán bất động sản sau dịch - Ảnh 1.

Lượng người có nhu cầu bán bất động sản bật tăng mạnh ngay sau khi hết giãn cách. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Lượng tin rao bán tăng vọt

Nếu như trong quý III, cả nguồn cung rao bán và nhu cầu tìm kiếm bất động sản ghi nhận giảm mạnh thì sang đầu quý IV, thị trường đã chứng kiến những con số ấn tượng.

Bùng nổ nhu cầu mua bán bất động sản sau dịch - Ảnh 2.

(Nguồn: Batdongsan.com.vn).

Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, trong tháng 10 - tháng đầu tiên được nới lỏng giãn cách, lượng tin đăng rao bán nhà đất (nguồn cung) trên toàn thị trường tăng 135% so với tháng 9.

Trong đó, nguồn tin rao bán đất nền tăng 113%, chung cư tăng 139% còn nhà riêng và nhà phố tăng 184%.

Đáng chú ý, TP HCM có lượng tin rao bán nhà đất tăng mạnh với mức tăng 358% so với tháng trước đó. Cụ thể, tin rao bán nhà riêng, căn hộ chung cư tăng lần lượt 535% và 313%. Tin đăng cho thuê căn hộ chung cư cũng tăng mạnh 240%.

Riêng phân khúc chung cư bình dân, lượng tin đăng rao bán trong tháng vừa qua ghi nhận tăng vọt lên 545%.

Tại Hà Nội, lượng tin rao bán nhà đất trong tháng đầu tiên dỡ phong tỏa ghi nhận tăng 108% so với tháng 9. Trong đó, tin rao bán nhà riêng, căn hộ chung cư, đất tăng lần lượt 184%, 139% và 113%. Phân khúc chung cư bình dân cũng ghi nhận lượng tin đăng rao bán tăng 100% so với tháng trước đó.

Ngoài ra, tại một số tình thành khác như  Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương, lượng tin rao bán bất động sản cũng tăng lần lượt 186%, 170% và 148% so với tháng 9.

Lượng tin rao bán bất động sản tăng rõ ràng đang cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn cung trên thị trường. Sau một thời gian dài bị dồn nén do giãn cách, nhiều người có tài sản đang nóng lòng muốn bán ra để cân đối dòng tiền và trang trải cuộc sống.

Bùng nổ nhu cầu mua bán bất động sản sau dịch - Ảnh 3.

(Nguồn: Batdongsan.com.vn).

Về phía người mua (mức độ quan tâm), nhu cầu tìm mua nhà đất toàn quốc trong tháng vừa qua tăng hơn 55% so với tháng 9.

Trong đó, làn sóng tìm mua nhà đất đã bật tăng trở lại tại TP HCM với mức tăng đạt 89% so với tháng trước và 4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này phục hồi đến 90%, gần quay trở lại như thời điểm tháng 5/2021 trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tại Hà Nội, nhu cầu tìm kiếm bất động sản đã hồi phục hoàn toàn và bằng so với thời điểm tháng 5/2021.

Mức độ quan tâm ghi nhận tăng ở tất cả các loại hình ở cả hai thị trường nói trên, tập trung chủ yếu tại nhà mặt phố bán, nhà riêng, căn hộ chung cư và đất.

Tại các địa phương phía Nam, những điểm nóng về tình hình dịch bệnh thời gian qua như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai và một số tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ như Đà Nẵng, Khánh Hòa đều ghi nhận mức tăng khoảng 40 - 90%.

Thị trường còn nhiều động lực tăng trưởng

Theo quan sát ở thời điểm hiện tại, bất động sản chưa thể đánh giá đã phục hồi. Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp đang rục rịch tái khởi động và các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến việc quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tại chương trình "Có hẹn với chuyên gia BĐS" với chủ đề "Các phân khúc bất động sản sẽ hồi phục ra sao sau đại dịch?" do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Lê Tạo, CEO Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng và BĐS Tạo Tín Phát nhận định, trong giai đoạn sắp tới, thị trường bất động sản sẽ có một đợt tăng giá từ nhẹ đến mạnh. 

"Đây đang là chu kỳ tăng giá của bất động sản, tức là cứ 7 năm sẽ có một chu kỳ tăng giá lại bất động sản và năm nay cũng là một năm thuộc chu kỳ này. Nếu dịch không xảy ra thì tôi nghĩ, thị trường bất động sản năm 2021 đã có một bước chuyển cực lớn", ông Tạo nói.

Bên cạnh đó, theo vị này, hoạt động đầu tư vào chứng khoán trong giai đoạn giãn cách diễn ra rất mạnh. Do đó, khi cuộc sống trở lại bình thường, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng rút tiền từ chứng khoán để đầu tư vào bất động sản. Đây cũng là vòng quay để bất động sản có thể phát triển mạnh trong giai đoạn tới.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, tại toạ đàm "Bất động sản trong xu thế mới - Linh hoạt để thích ứng" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch COVID-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt.

Cụ thể, trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu của thị trường thường sụt giảm ngay. Nhưng ở đại dịch lần này, thị trường dù thiếu nguồn cung nhưng lực cầu một số phân khúc như bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở,... vẫn ghi nhận tốt.

Khác biệt thứ hai là giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.

Về khả năng phục hồi của thị trường trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực nhận định, thị trường có nhiều động lực tăng trưởng khả quan. Nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi khá nhanh và sẽ như bật lò xò. Trong quý cuối năm, nền kinh tế được dự báo phục hồi trở lại với mức tăng trưởng khoảng 4% và tới năm 2022, mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5 - 7%.

Một thuận lợi nữa theo ông Lực đó là Chính phủ vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới.

Về môi trường pháp lý, vị chuyên gia này cho biết, trong năm tới, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật là Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật xây dựng. Và riêng năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng một luật sửa nhiều luật.

Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, tính đến hết quý III,nguồn vốn tín dụng vào bất động sản tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng hơn 2 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 36%.

Liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản, vị này cho rằng, dù các doanh nghiệp đã thay đổi để thích nghi và sẵn sàng trở lại nhưng cũng cần chú trọng đến những thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý về sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng phải khác đi và chuyển đổi số phải mạnh mẽ hơn.

Hà Lê