Nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp bình tĩnh trước nỗi lo lạm phát
Tại sự kiện do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP HCM, đã đưa ra những nhận định về phản ứng của ba nhóm nhà đầu tư bất động sản cá nhân trước lo ngại lạm phát trong 3-6 tháng tới.
Thứ nhất là nhóm tay chơi mới, tài chính khá nhỏ (từ 1 đến dưới 2 tỷ đồng) thường đang trú ẩn ở một kênh nào đó mà lợi nhuận không đáng để đánh đổi sang một kênh đầu tư khác. Do đó, họ ít có khả năng xem xét chuyển kênh đầu tư trong ngắn hạn.
Với những ai chưa từng đầu tư bất động sản thì cần phải thận trọng nếu định chuyển kênh tránh lạm phát. Vì lạm phát sẽ khiến giá nhà tăng, nguồn cung dự án ở Việt Nam khan hiếm và việc đầu tư một dự án đòi hỏi thời gian rất dài.
Những nhà đầu tư này nếu có chọn trú ẩn vào bất động sản cũng không giải quyết được vấn đề về tính an toàn hay lợi nhuận. Tuy nhiên, họ có thể xem xét mua vào nếu coi tài sản là của để dành, tích lũy lâu dài thay vì gửi ngân hàng.
Thứ hai là nhóm những nhà đầu tư cá nhân có nhiều luồng đầu tư, dòng tiền trung bình (từ 5-10 tỷ đồng), là những tay chơi chuyên nghiệp, thường chia phần tài sản ở nhiều kênh như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán,…
Với kinh nghiệm dày dặn, họ sẽ không phản ứng thái quá với lo ngại lạm phát bởi vấn đề này sẽ được điều chỉnh vĩ mô, quy định thị trường,... tạo khả năng cân bằng nên không ảnh hưởng nhiều.
Nhóm này có quyết định thận trọng tư duy nguồn tiền, chọn sự hấp dẫn đầu tư chứ không vội vàng chuyển hết dòng tiền vào một kênh, bởi động thái này chưa đủ tin cậy để tạo ra lợi ích, không đáng để đánh đổi ngắn hạn liên quan việc lạm phát tăng lên.
Mặt khác, lợi nhuận mới chỉ là kỳ vọng trong khi phải mất thêm chi phí tài chính trong thời kỳ dịch hay lượng tiền bỏ vào để tiếp tục tái đầu tư.
Thứ ba là nhóm nhà đầu tư đang tích lũy đất, tích lũy tài sản. Đây cũng là một nhóm nhà đầu tư bất động sản thuần túy nếu họ không phải rót tiền hay xoay sở vốn cho kênh đầu tư khác. Nếu có vấn đề về tài chính, họ có thể xem xét bán bớt tài sản hoặc phân bổ lại dòng vốn chứ không tập trung vào một tài sản duy nhất.
Cũng theo ông Nghĩa, nền kinh tế như Việt Nam cần thiết phải có lạm phát để phát triển vì nó là cơ hội cũng là điều kiện liên quan đến tăng trưởng.
Những nước đang phát triển như Việt Nam có lạm phát cao hơn các nước phát triển là điều bình thường. Chính phủ sẽ can thiệp ở mức chấp nhận để kinh tế phát triển.
Do đó, nếu nhà đầu tư phản ứng quá vội vàng với một diễn biến như vậy trong ngắn hạn có thể không thay đổi nhiều về lợi nhuận mang lại, không mang đến sự khác biệt quá lớn giữa các kênh trú ẩn.