|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bất chấp thương chiến và khó khăn kinh tế, giới trẻ Trung Quốc vẫn là cứu tinh của các thương hiệu xa xỉ

00:08 | 05/01/2020
Chia sẻ
Doanh thu hàng xa xỉ năm ngoái dự kiến sẽ chạm mốc 28,47 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2018, theo ước tính của công ty nghiên cứu Euromonitor International.

Ở một trung tâm triển lãm lớn ở thành phố Thượng Hải vào tháng 11, tại buổi ra mắt có sự tham gia của nữ diễn viên Carina Lau Kar-ling (nổi tiếng ở Hong Kong), thương hiệu xa xỉ Christian Dior đã trình diễn một bộ sưu tập túi xách Lady Dior mới mang tính biểu tượng. 

Những chiếc túi, được thiết kế lại bởi 11 nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới, sẽ được bán trong tháng 1 với giá từ 5.000 đến 16.000 USD, theo South China Morning Post.

Doanh thu hàng cao cấp năm ngoái tăng gần 14%

Lễ ra mắt diễn ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế tại Trung Quốc. Doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã quay trở lại mức tăng trưởng hai con số trong năm 2017 và 2018 sau khi giảm vào năm 2015 do kinh tế chậm lại và chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ. 

Doanh thu năm ngoái dự kiến sẽ chạm mốc 28,47 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2018, theo ước tính của công ty nghiên cứu Euromonitor International.

Bất chấp thương chiến và khó khăn kinh tế, giới trẻ Trung Quốc vẫn là cứu tinh của các thương hiệu xa xỉ - Ảnh 1.

Một báo cáo do công ty tư vấn McKinsey công bố tháng trước cho thấy thế hệ tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc đang lạc quan về tương lai và có thu nhập khả dụng cao. Ảnh: SCMP

Dự báo cho năm 2020 là tăng trưởng chậm hơn 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh số dự kiến sẽ tăng và đạt 43,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024.

Có vẻ như sự lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ, cũng như lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã không ảnh hưởng đến nhu cầu mua hàng xa xỉ cao cấp của người tiêu dùng Trung Quốc - đặc biệt là giới trẻ.

Số lượng những người sinh từ năm 1981 về sau chiếm khoảng 500 triệu trong tổng dân số 1,4 tỉ ở Trung Quốc. Giới quan sát nhận định họ sẽ thúc đẩy nền kinh tế khi đầu tư nội địa và xuất khẩu chững lại.

Thanh niên Trung Quốc lạc quan về tương lai

Một báo cáo do công ty tư vấn McKinsey công bố tháng trước cho thấy thế hệ tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc đang lạc quan về tương lai và có thu nhập khả dụng cao. Họ đã tạo nên 60% mức tăng trưởng chi tiêu của nền kinh tế trong năm 2018.

"Giới tiêu dùng trẻ luôn thúc đẩy đà tăng trưởng của Trung Quốc. Đây là điểm khác biệt so với các thị trường đã chín muồi", Daniel Zipser, một nhà phân tích của công ty tư vấn McKinsey, phát biểu.

Zipser nói thêm rằng ham muốn mua sắm của giới trẻ Trung Quốc thể hiện rõ ở những mặt hàng xa xỉ, bởi chúng thể hiện đẳng cấp và địa vị xã hội ở đại lục.

Franco Feng, một doanh nhân ngành du lịch 35 tuổi ở Thượng Hải, khẳng định những món hàng xa xỉ rất có giá trị, bởi nó giúp anh khác biệt với những người trung lưu khác ở Trung Quốc. 

"Tôi đã chi hơn 3.000 nhân dân tệ để mua một đôi giày Yeezy của hãng Adidas. Rất nhiều người cùng tuổi với tôi có thể mua giày hiệu, nhưng họ cảm thấy chúng không cần thiết. với tôi, những đôi giày hiệu cũng quan trọng như đồng hồ, bởi chúng là biểu tượng về địa vị xã hội", Feng kể.

Michael Cheng, một nhà phân tích của hãng kiểm toán quốc tế PwC kể rằng, một đồng nghiệp của anh, không hiểu lí do khiến nhiều người trong quĩ mua túi Hermes với giá tới 70.000 nhân dân tệ (hơn 10.000 USD). Nhưng khi cô thăng chức, cô cũng mua một túi.

"Tôi cảm thấy lạc quan về thị trường hàng cao cấp ở Trung Quốc. Thu nhập của giới trẻ không giảm mạnh trong năm 2019, nhờ sự ổn định của thị trường chứng khoán và bất động sản", Cheng nói.

Cửu Dương