[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 7/2024: Xuất khẩu gạo khởi sắc trở lại, giá có xu hướng tăng lên
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 751.093 tấn, trị giá 451,77 triệu USD, so với tháng trước tăng 46,3% về lượng và 39,7% về trị giá, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,9% về lượng và 24,8% về trị giá.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 8,3% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 5,3 triệu tấn với trị giá thu về gần 3,34 tỷ USD.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 7 đạt 601 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023 và giảm 4,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo tăng 17,9% lên 630 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, khảo sát từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến đầu tháng 8 giá lúa tại ruộng đạt 7.482 đồng/kg, tăng 511 đồng/kg so với tháng trước, trong khi giá lúa thường tại kho đã chạm mức 9.117 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tương tự, giá gạo cũng tăng từ 700 – 1.323 đồng/kg trong tháng qua.
Giá lúa tăng là tin vui cho người nông dân, nhưng lại là nỗi lo lớn với các doanh nghiệp bởi giá xuất khẩu thấp.
Một số doanh nghiệp cho biết, giá lúa tăng chủ yếu do nguồn cung vụ Hè Thu giảm sút, cùng với ảnh hưởng của mưa bão từ tháng 8 khiến chất lượng lúa giảm. Các nhà nhập khẩu có nhu cầu nhưng lại ép giá, chỉ chốt hợp đồng với mức giá thấp, buộc doanh nghiệp phải mua bán cầm chừng.
Việc ký mới hợp đồng xuất khẩu với giá thấp trong thời điểm này tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ lớn. Bởi từ tháng 7 đến tháng 10, nguồn cung lúa tiếp tục giảm, khiến giá nguyên liệu xu hướng còn tăng cao.
Ngoài áp lực về giá, các doanh nghiệp xuất khẩu còn đối mặt với chi phí vận tải tăng cao do xung đột quốc tế và sự biến động của tỷ giá.
Xuất khẩu gạo dự kiến tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm và kỳ vọng sẽ có thể mang về kim ngạch kỷ lục khoảng 5 tỷ USD trong năm nay.
Các thông tin cho thấy nhu cầu của nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, như Philippines, Indonesia, Singapore… vẫn ở mức cao trong thời gian tới.
Đơn cử như tại Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới được dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Mới đây, Philippines đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028. Hiện Việt Nam đang là nguồn cung gạo lớn nhất cho thị trường này, chiếm khoảng 76% thị phần.
Còn tại Indonesia, trong phiên mở thầu tháng 7 mua số lượng 320.000 tấn gạo 5% tấm của Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 7 trên 12 gói thầu, tổng số lượng gạo trúng thầu là 185.000 tấn.
Indonesia có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024. Lý do là sản lượng gạo mà quốc gia này sản xuất từ đầu năm đến tháng 8/2024 thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường nhiều tiềm năng của gạo Việt Nam trong thời gian tới do nhu cầu tăng cao trong khi tồn kho ở mức thấp.
Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 7/2024 tại đây: