[Báo cáo] Thị trường gạo quý II/2024: Giá gạo có xu hướng hạ nhiệt, kịch bản nào cho những tháng cuối năm?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý II đạt gần 2,4 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 2,4% về trị giá so với quý I, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm nhẹ 0,6% về lượng nhưng tăng tới 14,7% về trị giá.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4,55 triệu tấn, với trị giá thu về gần 2,9 tỷ USD, tăng 7,4% về lượng, tăng 28,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý II đạt 618 USD/tấn, giảm 5,6% so với quý I nhưng tăng 15,4% so với quý II năm 2023. Nếu so với giá đỉnh đạt được vào tháng 1 năm nay thì giá gạo giao dịch của Việt Nam trên thị trường thế giới những tháng gần đây có giảm nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn các năm.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của nước ta đạt bình quân 635 USD/tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL cũng giảm từ 5 – 10% vào quý II. Như vậy, tính đến cuối tháng 6 đầu tháng 7, giá lúa gạo nội địa đã giảm khoảng 15 – 25% so với đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giá lúa vẫn đang cao hơn từ 5 – 8% và giá gạo là 13 – 15%.
Những thông tin gần đây cho thấy, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhiều khả năng sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay. Động thái này của Ấn Độ được cho là sẽ tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu và khiến giá của mặt hàng này tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới.
Do đó, chúng tôi cho rằng mặt bằng giá gạo xuất khẩu và nội địa Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo dự kiến sẽ vẫn thuận lợi do chủng loại và phân khúc thị trường tiêu thụ của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ.
Việc Philippines, giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028 dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của nước này. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines, chiếm tới hơn 80% thị phần vào năm ngoái.
Còn tại Indonesia, sản lượng gạo của nước này từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay ước tính giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) dự đoán rằng Chính phủ có thể sẽ phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo trong năm nay, đây sẽ là một con số kỷ lục. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 3,6 triệu tấn hạn ngạch được cấp cho việc nhập khẩu gạo.
Chi tiết báo cáo thị trường gạo quý II/2024 tại đây: