|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Báo cáo này đưa ra con số 3,9%, báo cáo khác nói 2,8%: Đâu là thước đo lạm phát đúng nhất tại Mỹ?

19:41 | 01/03/2024
Chia sẻ
Báo cáo tháng 1 của Bộ Lao động Mỹ gây xôn xao, khiến Dow Jones mất 500 điểm. Song, báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/2 mới là thứ Fed quan tâm.

 

Các quan chức Fed và các chuyên gia kinh tế thường quan tâm hơn tới số liệu lõi để đánh giá hướng đi của lạm phát. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Theo một thước đo thì lạm phát đang lùi gần về mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Song, theo một thước đo khác thì lạm phát vẫn còn khá xa mục tiêu.

Liệu chênh lệch giữa hai thước đo nói trên có thu hẹp hay không và bằng cách nào sẽ là yếu tố quan trọng đối với chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay, Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

Báo cáo hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ về giá tiêu dùng - tức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - là thước đo mà nhiều người quan tâm.

Báo cáo này thường gây xôn xao trên báo chí, xuất hiện trong bài phát biểu của các chính trị gia và tác động đến thị trường tài chính.

Đơn cử như vào đầu tháng này, số liệu CPI tháng 1 nóng hơn dự kiến đã khiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất hơn 500 điểm.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động không phải trọng tâm của Fed. Thay vào đó, ngân hàng trung ương Mỹ đặt mục tiêu lạm phát 2% dựa trên chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) do Bộ Thương mại công bố.

Số liệu tháng 1 nói lên điều gì?

Tỷ lệ lạm phát tính theo PCEPI đang hạ nhiệt nhanh hơn so với lạm phát tính theo CPI.

Hôm 29/2, Bộ Thương mại cho biết PCEPI tháng 1 tăng 0,3% so với tháng liền trước và 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Bộ Lao động thông báo CPI tháng 1 tăng 3,1% so với cùng kỳ.

PCEPI lõi (chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) tăng 2,8% so với một năm trước. Báo cáo trước đó cho thấy CPI lõi đi lên 3,9%.

Chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát tính theo PCEPI lõi và CPI lõi hiếm khi lớn như hiện nay. Trong 60 năm trước khi đại dịch xuất hiện, chênh lệch trung vị là khoảng 0,4 điểm %.

 

Kết quả thực tế và khảo sát trên giấy

Sự khác biệt lớn nhất giữa CPI và PCEPI là thành phần của chúng.

Tỷ trọng giá của các mặt hàng trong CPI phụ thuộc vào số tiền mà người tiêu dùng cho biết họ đã chi cho những mặt hàng đó, dựa theo các cuộc khảo sát hàng năm.

Tỷ trọng giá của các mặt hàng trong PCEPI phụ thuộc vào dữ liệu của Bộ Thương mại. Dữ liệu này chỉ ra người tiêu dùng đã thực sự chi tiền cho cái gì.

Chênh lệch có thể rất lớn. Ví dụ, báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy tỷ trọng số tiền mà người Mỹ dùng để mua rượu trong tổng chi tiêu cao hơn gấp đôi so với số liệu của Bộ Lao động.

Fed bắt đầu tập trung vào chỉ số PCEPI vào cuối những năm 1990, khi các quan chức cho rằng dữ liệu chi tiêu thực tế chính xác hơn dữ liệu khảo sát.

Theo biên bản cuộc họp tháng 12/1999 của Fed, Chủ tịch khi đó là ông Alan Greenspan đã nhấn mạnh PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của mình và tỏ ý kiến chê trách CPI.

Ông Greenspan nói: “Tại sao chúng ta phải nghiên cứu dữ liệu dựa trên mẫu khảo sát bị bóp méo trong khi chúng ta có rất nhiều dữ liệu chính xác hơn...”

Trong báo cáo chính sách bán niên mà Fed gửi Quốc hội Mỹ vào tháng 2/2000, ngân hàng trung ương này đã chọn PCEPI là thước đo ưa thích. Đến năm 2012, khi Fed chọn mục tiêu lạm phát 2%, thì PCEPI chính là số liệu tham chiếu.

Chi phí nhà ở đóng vai trò quan trọng

Nhà ở là một khoản mục mà chênh lệch tỷ trọng giá giữa hai chỉ số đang rất lớn. Trong CPI, tỷ trọng của chi phí nhà ở là 34%. Trong khi đó, khoản chi này chỉ chiếm khoảng 15% trong PCEPI.

Chi phí nhà ở đắt đỏ hơn đã đóng góp khoảng 2 điểm % vào mức tăng 3,1% của CPI. Ngược lại, khoản mục này chỉ khiến PCEPI tăng thêm gần 1 điểm %.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán chi phí nhà ở trong CPI và PCEPI sẽ hạ nhiệt trong năm tới. Song, vì chi phí nhà ở chiếm tỷ trọng lớn hơn trong CPI, khi khoản chi này giảm xuống thì lạm phát tính theo CPI sẽ nguội đi nhanh hơn.

Dự đoán về diễn biến lạm phát trong thời gian tới, ông Omair Sharif của Inflation Insights cho hay CPI lõi và PCEPI lõi sẽ tăng giảm khó đoán cho đến mùa xuân năm tới, nhưng cả hai cuối cùng đều sẽ giảm xuống.

Vị chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ lạm phát tính theo CPI lõi sẽ còn 2,6% vào tháng 12/2024, trong khi lạm phát tính theo PCEPI lõi sẽ về 2%. Điều này sẽ giúp Fed thoải mái hơn khi hạ lãi suất.

Khả Nhân

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.