|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tin vui của Fed: Thước đo lạm phát ưa thích tăng như dự đoán trong tháng 1, ngày càng gần mục tiêu 2%

20:49 | 29/02/2024
Chia sẻ
Theo thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát đang ngày càng về gần mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách.

 

Khách hàng mua sắm bên trong một siêu thị Walmart. (Ảnh: Reuters).

Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/2 cho thấy trong tháng 1, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không tính chi phí thực phẩm và năng lượng (PCEPI lõi) đã tăng 0,4% so với tháng liền trước và 2,8% so với một năm trước.

Cả hai đều phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones. PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ.

PCEPI toàn phần (bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng 0,3% so với tháng 12 và 2,4% so với cùng kỳ. Cả hai cũng tương ứng với dự báo của các nhà kinh tế.

Số liệu lạm phát tháng 1 cho thấy người tiêu dùng đang dần dịch chuyển từ mua sắm hàng hoá sang sử dụng dịch vụ, trong bối cảnh nền kinh tế bình thường trở lại sau giai đoạn gián đoạn trong đại dịch.

Báo cáo cho thấy giá dịch vụ tháng 1 nhích 0,6% so với tháng 12, trong khi giá hàng hoá giảm 0,2%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá dịch vụ tăng 3,9% và giá hàng hoá giảm 0,5%.

Đi vào chi tiết hơn, giá thực phẩm tăng 0,5% trong tháng 1, nhưng được bù đắp bởi mức giảm 1,4% của năng lượng. So với một năm trước, giá thực phẩm đi lên 1,4% và giá năng lượng sụt 4,9%.

 

Báo cáo mới còn cho thấy thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 1% trong tháng 1, cao hơn nhiều so với dự báo 0,3%. Chi tiêu giảm 0,1%, trong khi các nhà kinh tế ước tính thước đo này sẽ tăng 0,2%.

Cũng theo báo cáo, người tiêu dùng Mỹ đang tiếp tục dùng đến tiền tiết kiệm để chi tiêu trong bối cảnh giá cả vẫn còn cao. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tháng 1 là 3,8%, cao hơn một chút so với tháng 12 nhưng thấp hơn 1 điểm % so với tháng 6/2023.

Theo ghi nhận của CNBC, bản báo cáo chưa tác động đáng kể đến giao dịch trên thị trường tài chính. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc nhích cao hơn một chút.

Thị trường lãi suất tương lai cũng ít biến động. Các nhà đầu tư nhìn chung đang kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 6 tới.

Ở diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ cũng vừa công bố một báo cáo việc làm được thị trường quan tâm. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp vẫn ngần ngại sa thải nhân công.

Tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 24/2 là 215.000, tăng 13.000 so với kỳ trước. Con số này cũng cao hơn ước tính 210.000 mà các nhà kinh tế Dow Jones đưa ra, nhưng nhìn chung vẫn phù hợp với xu hướng gần đây.

Tuy nhiên, số đơn yêu cầu tiếp tục trợ cấp thất nghiệp đã vọt lên trên mức 1,9 triệu - tăng 45.000 so với tuần trước và cao hơn ước tính của FactSet là 1,88 triệu.

Tại cuộc họp cuối cùng của năm 2023, Fed dự kiến sẽ có ít nhất ba lần giảm lãi suất trong năm nay. Sau đó, ở cuộc họp tháng 1, các nhà hoạch định chính sách cho biết họ không vội cắt giảm lãi suất và bày tỏ cả sự lạc quan lẫn thận trọng về lạm phát.

Khi thảo luận triển vọng chính sách, Fed nhận định lãi suất có thể đã đạt đỉnh trong chu kỳ thắt chặt hiện nay. Song, các quan chức cần có thêm bằng chứng chứng tỏ lạm phát chắc chắn đang quay về mức mục tiêu 2% để bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay.

Ở cuộc họp tháng 1, ngân hàng trung ương Mỹ đã nhất trí giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm qua.

 

 

Yên Khê