|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cùng tăng lãi suất nhưng 4 nền kinh tế lớn có ngã rẽ khác nhau: Đức mấp mé suy thoái, Mỹ lập chuỗi thành tích 6 quý liền

16:18 | 29/02/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương trong cả năm 2023 bất chấp các dự báo suy thoái. Trong khi đó, đầu tàu kinh tế châu Âu suýt chút nữa có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp và nền kinh tế Anh suy thoái ngay trước thềm bầu cử.

 

Khách mua sắm bên trong một trung tâm thương mại ở Mỹ. (Ảnh: AP).

Bức tranh hai màu đối nghịch

Thành tích 6 quý liên tiếp của Mỹ

Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 28/2 cho thấy nhờ chi tiêu tiêu dùng lành mạnh, nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng 3,2% trong quý IV (tốc độ chuẩn hoá theo năm). Kết quả này thấp hơn 0,1 điểm % so với ước tính ban đầu.

Đáng chú ý là tăng trưởng GDP của Mỹ đã vượt mức 2% trong 6 quý liên tiếp, bất chấp lo ngại rằng lãi suất lên cao sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Tính chung cả năm 2023, GDP mở rộng 2,5%, vượt mức 1,9% vào năm 2022.

Chi tiêu tiêu dùng - chiếm khoảng 70% nền kinh tế của Mỹ - tăng trưởng 3% trong quý IV. Chi tiêu của chính quyền tiểu bang và địa phương đi lên 5,4%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2019. Xuất khẩu cải thiện cũng góp phần vào tăng trưởng.

Báo cáo mới còn chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hoạt động tốt hơn hẳn nhiều nơi khác. Canada, Đức hay Anh đều nâng lãi suất để chống lạm phát giống Mỹ nhưng nền kinh tế lại yếu kém hơn hẳn.

Cận kề hoặc đã rơi vào suy thoái

Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê Canada, GDP tháng 12 của nước này tăng 0,3%, đồng nghĩa rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV đạt khoảng 1,2%. Trong quý III, GDP đã giảm 1,1%.

Nếu kết quả thực tế đúng như ước tính thì nền kinh tế láng giềng của Mỹ đã tránh được suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm 2023. Suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Một số nhà kinh tế, bao gồm ông Royce Mendes - người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô của hãng tài chính Desjardins Group, nhận định Canada có vẻ đã thoát hiểm trong gang tấc.

Chia sẻ với Reuters, ông Mendes nói: “Nền kinh tế Canada dường như đã vực dậy từ cõi chết vào cuối năm ngoái”.

 

Bức tranh kinh tế của Đức có phần rắc rối hơn. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang, GDP quý IV của Đức đã giảm 0,3%. Song, nước này tránh được suy thoái kỹ thuật sau khi tăng trưởng kinh tế quý III được điều chỉnh từ -0,1% lên 0.

Tính chung cả năm 2023, GDP của Đức giảm 0,3%. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế từng dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái vào năm ngoái.

Công nghiệp và xuất khẩu, hai trong số những trụ cột của nền kinh tế, đều ghi nhận những tín hiệu kém lạc quan. Sản lượng công nghiệp tháng 12 giảm 1,6% so với tháng trước và tính chung cả năm sụt 1,5% so với năm 2022.

Tương tự, xuất khẩu giảm 4,6% trong tháng 12 và 1,4% (tương đương 1.526 tỷ euro, tức khoảng 1.680 tỷ USD) trong cả năm 2023.

Cũng tại châu Âu, nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái kỹ thuật chỉ vài tháng trước thềm bầu cử. Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết GDP của Anh giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2023, sau khi thu hẹp 0,1% trong quý liền trước.

Trong một tuyên bố vào giữa tháng 2, Giám đốc phụ trách bộ phận thống kê kinh tế của ONS là bà Liz McKeown nhấn mạnh: “Tất cả các lĩnh vực chính đều suy yếu trong quý IV, trong đó sản xuất, xây dựng và bán buôn là ba lực cản lớn nhất...”

ONS ước tính sơ bộ rằng GDP của Anh chỉ tăng khiêm tốn 0,1% vào năm ngoái - thấp hơn đáng kể mức 4,3% vào năm 2022. Đây còn là thành tích tồi tệ nhất của nền kinh tế này kể từ năm 2009, nếu không tính năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành.

Tại sao có sự khác biệt?

Trao đổi với MarketWatch, ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics tại thị trường Mỹ, cho hay: “Tất cả [các nền kinh tế ngoại trừ Mỹ] đều suy yếu đến mức tăng trưởng hiện tại gần bằng 0”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh đến việc GDP của Mỹ đã mở rộng 6 quý liên tiếp. “Gần như không thể tin được là Mỹ đã đạt được thành tích đó một cách dễ dàng”, ông nói thêm.

Vậy tại sao có sự khác biệt giữa bức tranh kinh tế Mỹ và những quốc gia phát triển khác? Một trong các nguyên nhân chính là quá trình thiểu phát ở Mỹ diễn ra nhanh hơn dự đoán.

Bà Lydia Boussour, nhà kinh tế cấp cao tại hãng tư vấn EY Parthenon, lưu ý: “Quá trình thiểu phát diễn ra nhanh chóng đã cho phép thu nhập khả dụng của người dân phục hồi phần nào”. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn.

 

Chưa kể, chính phủ Mỹ từng bơm gần 5.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch, vì vậy người tiêu dùng còn tích cóp được khoản tiết kiệm khổng lồ để chi tiêu về sau.

Báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh San Francisco chỉ ra, số tiền tiết kiệm dư thừa mà người dân tích luỹ trong đại dịch đã giảm từ mức đỉnh tháng 8/2021 là 2.100 tỷ USD xuống còn khoảng 430 tỷ USD.

Ngoài ra, Mỹ còn hút được rất nhiều khoản đầu tư từ nước ngoài. Theo báo cáo của UNCTAD, dòng vốn FDI vào siêu cường số một thế giới đạt khoảng 285 tỷ USD vào năm 2022.

Chi tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng giúp ích khá nhiều, nhà kinh tế Matthew Luzzetti của Deutsche Bank lưu ý. “Khu vực công đã đóng góp thêm khoảng 0,75 điểm % vào tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi quý, đây là một động lực lớn cho nền kinh tế”, ông cho hay.

Song, trên hết là lãi suất tăng cao không gây ảnh hưởng nặng nề đến người Mỹ như những nước còn lại vì thường các khoản vay mua nhà (mortgage) kéo dài đến 30 năm.

“Các hộ gia đình có thể chốt khoản vay mua nhà có lãi suất cố định 30 năm khi lãi suất ở mức thấp kỷ lục”, nhà kinh tế Luzzetti nói.

Tại Canada, các khoản vay mua nhà chỉ có thời hạn 5 năm, nên khi lãi suất chuẩn tăng cao đột ngột thì người đi vay thường dễ bị tác động hơn.

Tuy nền kinh tế Mỹ hoạt động ổn định trong nhiều quý vừa qua, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chững lại trong thời gian tới khi số tiền tiết kiệm thời COVID cạn kiệt và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn.

 

Yên Khê