|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CPI tháng 1 của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, Fed phải đánh giá thêm dữ liệu mới bắt đầu hạ lãi suất

23:06 | 13/02/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo mới được công bố hôm 13/2, lạm phát tại Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1 do chi phí nhà ở gây áp lực lên người tiêu dùng.

Người dân Mỹ mua sắm bên trong một cửa hàng Target ở California. (Ảnh: AFP).

Tăng mạnh hơn dự kiến

Báo cáo do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/2 cho thấy vào tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% so với tháng tháng 12. Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ, CPI tăng 3,1%.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự đoán CPI tháng 1 tăng 0,2% so với tháng trước và 2,9% so với cùng kỳ.

Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi nhích 0,4% so với tháng 12 và tăng 3,9% so với một năm trước. Dự báo của các nhà kinh tế lần lượt là 0,3% và 3,7%.

Chi phí nhà ở là nguyên nhân chính khiến CPI tăng mạnh hơn dự báo. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết vào tháng 1, thước đo này nhích 0,6% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ.  

Giá thực phẩm cũng đi lên, tăng 0,4% so với tháng 12. Tuy nhiên, chi phí năng lượng đã giúp hạn chế phần nào mức tăng của CPI. Cụ thể, thước đo này giảm 0,9% nhờ giá xăng tụt 3,3%.

Phần còn lại của bức tranh lạm phát khá lẫn lộn. Trong tháng 1, giá xe đã qua sử dụng, giá quần áo và chi phí vật tư y tế giảm lần lượt 3,4%, 0,75 và 0,6% so với tháng trước.

Song, giá điện tăng 1,2% và vé máy bay đi lên 1,4%. Tại các cửa hàng tạp hoá, giá thịt giăm bông giảm 3,1% nhưng giá trứng tăng 3,4%.

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi bản báo cáo được công bố. Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bốc hơi hơn 250 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao hơn, theo CNBC.

Báo cáo còn cho biết ngay cả khi giá cả đi lên, thu nhập hàng giờ đã điều chỉnh cho lạm phát của người lao động Mỹ vẫn nhích 0,3% so với tháng trước và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Bà Lisa Sturtevant, nhà kinh tế trưởng tại Bright MLS, cho hay: “Lạm phát nhìn chung đang đi đúng hướng. Song, điều quan trọng cần nhớ là lạm phát xuống thấp hơn không có nghĩa là giá của hầu hết mọi thứ đều đang giảm...

...thay vào đó, hãy hiểu đơn giản rằng giá cả đang tăng chậm lại. Người tiêu dùng vẫn đang cảm thấy khó chịu khi phải trả giá cao hơn cho những mặt hàng họ thường xuyên mua nhất”.

Khi nào Fed hạ lãi suất?

Báo cáo lạm phát tháng 1 được công bố giữa thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tìm cách tái cân bằng chính sách tiền tệ.

Dù thị trường tài chính kỳ vọng Fed sẽ mạnh tay hạ lãi suất trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách lại thận trọng hơn trong các tuyên bố công khai, nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu.

Giới chức Fed tin tưởng lạm phát sẽ quay trở về mức mục tiêu 2%, chủ yếu là vì họ cho rằng giá nhà sẽ giảm tốc trong năm nay. Việc chi phí nhà ở tăng mạnh trong tháng 1 có thể là vấn đề đối với Fed.

Theo bà Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu tại LPL Financial, báo cáo CPI mới đây là thông tin gây thất vọng đối với những người hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống, từ đó cho phép Fed bắt đầu hạ lãi suất sớm hơn.

Vị chiến lược gia đánh giá: “Nhìn chung, các con số đều nóng hơn dự kiến...ngân hàng trung ương Mỹ có lẽ cần thêm dữ liệu trước khi bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất”.

Trong những ngày gần đây, các nhà hoạch định chính sách - bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell - lưu ý rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ giúp Fed có thêm thời gian để đánh giá số liệu, vì cơ quan này không cần phải lo lắng rằng lãi suất tăng cao sẽ bóp nghẹt tăng trưởng.

Theo dữ liệu của CME Group, trước khi báo cáo CPI được công bố, các nhà đầu tư tin rằng nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5.

Đồng thời, họ kỳ vọng Fed sẽ giảm tổng cộng 5 lần trong năm 2024, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, nhiều quan chức nói khả năng cao là Fed chỉ giảm hai đến ba lần trong cả năm nay.  

 

 

 

Yên Khê

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.