Kinh tế trải nghiệm là đấu trường mà 'cá nhỏ' có thể vượt qua 'cá mập'
Jenn Nicken từng làm nhà quản lí tiếp thị tại tập đoàn Apple. Trong thời gian ấy, cô tham gia vài lớp học nấu ăn và cảm thấy rất thích, INC đưa tin.
Quá đam mê cảm giác của những buổi học nấu món, cô thôi việc tại Apple để thành lập The Chef and the Dish - công ty cung cấp những lớp dạy nấu món trực tuyến qua Skype do các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới giảng dạy.
Một lpwps dạy nấu ăn trực tuyến do công ty he Chef and the Dish cung cấp. Ảnh: INC
Alexandra Kenin cũng trải qua câu chuyện gần tương tự. Cô bắt đầu thích đạp xe sau khi chuyển tới thành phố San Francisco để làm việc cho tập đoàn Google. Vì thế, cô thôi việc để lập một công ty cung cấp dịch vụ tham quan xung quanh thành phố bằng xe đạp.
Điểm chung của hai phụ nữ không chỉ là việc họ đều có những công việc đáng mơ ước trong lĩnh vực công nghệ trước khi khởi nghiệp, mà còn là việc họ cùng tận dụng một xu hướng: Nhu cầu ngày càng tăng đối với trải nghiệm.
"Kinh tế trải nghiệm" đang bùng nổ
Tập đoàn tư vấn quản lí toàn cầu McKinsey nhận định chi tiêu để tích lũy trải nghiệm đang tăng trưởng nhanh gấp 4 lần so với mức chi tiêu dành cho hàng hóa, và giới trẻ hiện nay đang dẫn đầu xu hướng này.
So với các thế hệ trước, những người trong độ tuổi từ 35 trở xuống đang chi nhiều tiền hơn cho hoạt động giải trí, các sự kiện và tập gym. Đó có thể là kết quả của sự thay đổi giá trị sống và nền kinh tế, cũng như tác động của mạng xã hội.
Glenn Fogel, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Booking Holdings, công ty đang sở hữu nhiều dịch vụ trải nghiệm như Kayak, OpenTable và Booking.com, đồng ý với nhận định của McKinsey. Trong một hội thảo gần đây, ông chỉ ra rằng công ty thành công nhờ sở thích chụp ảnh của mọi người.
Một chuyến tham quan bằng xe đạp quanh thành phố có thể mang tới trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Ảnh: travelade.com
Song các trang du lịch lớn và những tập đoàn công nghệ không phải là đối tượng duy nhất hưởng lợi từ trào lưu trải nghiệm. Nhờ khả năng tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn trong không gian số, giới khởi nghiệp cũng đang khai thác trào lưu ấy.
Dù các doanh nhân bán sản phẩm vật lí, các bài giảng hay hoạt động, nhiều người trong số họ nhận ra rằng tiếp thị trải nghiệm là động lực dẫn tới thành công.
Thậm chí những công ty khởi nghiệp còn có cơ hội vượt qua những doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế trải nghiệm. Một cuộc khảo sát gần đây của Gartner cho thấy mối quan hệ giữa kinh tế trải nghiệm với tầm quan trọng tăng dần của trải nghiệm khách hàng.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ 1/5 số doanh nghiệp nói rằng trải nghiệm mà họ cung cấp vượt xa mong đợi của khách hàng. Đây là cơ hội cho những doanh nhân muốn gây dựng sự nghiệp bằng việc mang tới trải nghiệm độc đáo, tạo nên kí ức khó quên cho khách hàng.
Sức mạnh của cảm xúc
Hồi năm 1998, nhà chính trị James Gilmore (cựu thống đốc bang Virginia, Mỹ) và nhà văn Joseph Pine từng dự đoán sẽ lên ngôi của nền kinh tế trải nghiệm.
Trải nghiệm tinh thần hay trải nghiệm cảm xúc có thể là nền tảng của kinh doanh trải nghiệm. Đó là quan điểm của Matt Gardner, một người làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về nước sạch tại Nepal. Ông thôi việc để thành lập câu lạc bộ xe máy Hearts and Tears cùng một người bạn.
Câu lạc bộ của Matt cung cấp những tour du lịch khó quên trên xe máy cổ điển. Bí quyết giúp việc kinh doanh của Matt thành công là họ mời mọi người tham gia một cuộc phiêu lưu, một sự kiện để chúng trở thành hành trình khó quên đối với khách hàng.
Với những trải nghiệm tích cực và thú vị, những khách hàng của Matt sẽ chia sẻ trải nghiệm với người khác, tạo ra những khách hàng tương lai cho câu lạc bộ.
Nhiều doanh nhân bình luận rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trải nghiệm đan bùng nổ, mọi người nên nghĩ tới việc khởi sự kinh doanh.
Ngay cả khi dịch vụ mà chúng ta cung cấp có vẻ truyền thống hơn cả chuyến du lịch bằng xe máy, chúng ta vẫn nên nghĩ về cách thức mời mọi người tham gia vào trải nghiệm và khuyến khích họ chia sẻ trải nghiệm với người khác, chứ không nên chỉ bán một trải nghiệm khác cho họ.