|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Áp lực của những startup công nghệ du lịch ở Việt Nam

07:02 | 19/06/2019
Chia sẻ
Ở Việt Nam thời gian qua "bùng nổ" các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch. Để thành công như Bedlinker, họ đã gặp phải những áp lực như nào?

Bedlinker.com là sàn giao dịch thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đầu tiên dành cho lĩnh vực du lịch và khách sạn tại Việt Nam, ra đời năm 2017. Sàn giao dịch mở này là nơi các công ty du lịch được kết nối trực tiếp tới lượng lớn các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhiều loại hình lưu trú khác; nơi các công ty du lịch có thể dễ dàng kiểm tra và đặt phòng ngay lập tức với khách sạn ưa thích của mình.

Với những sáng tạo và tiện ích mà sàn giao dịch này mang lại, dự án Bedlinker vừa giành giải Nhất chung kết cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức vừa diễn ra sáng nay (ngày 18/6), tại Hà Nội.

Người sáng lập dự án, anh Đào Quang Thuận, từng có 15 năm kinh nghiệm quản lý đặt phòng và bán phòng trực tuyến tại nhiều khách sạn 5 sao ở Việt Nam, vì muốn xây dựng một nền tảng trực tuyến kết nối các khách sạn, đại lý du lịch, nhà điều hành tour một cách chặt chẽ hơn nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho quy trình đặt phòng trực tuyến đã có những chia sẻ đầy thấm thía về câu chuyện startup.

Từ bỏ “đỉnh cao” để khởi nghiệp

- Chúc mừng Bedlinker với “quả ngọt” đầu tiên, hy vọng sau giải thưởng này Bedlinker sẽ đến gần hơn với người dùng Việt Nam?

Anh Đào Quang Thuận: Đây là giải thưởng sẽ giúp sự hiện diện của Bedlinker có độ phủ sóng tốt hơn ở thị trường nội địa, giúp kết nối với các khách hàng ở Việt Nam tốt hơn. Thực tế trước đó báo chí nước ngoài đã biết và truyền thông về Bedlinker rồi. Hiện Bedlinker của chúng tôi đã kết nối được ở 15 quốc gia trên thế giới.

Áp lực của những startup công nghệ du lịch ở Việt Nam - Ảnh 1.

Dự án Bedlinker giành giải Nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Hiện Bedlinker có đang gặp phải khó khăn gì không và những ngày đầu vận hành nền tảng này của anh thế nào?

Anh Đào Quang Thuận: Áp lực lớn nhất mà một startup công nghệ như chúng tôi gặp phải là thời gian và làm sao đủ nguồn lực để có thể “đi” nhanh nhất vì nếu chậm thì những đối thủ khác sẽ làm thay và vượt mình.

Mỗi startup đều gặp phải vô vàn khó khăn. Bản thân tôi xuất thân từ vị trí quản lý những đơn vị lớn trong hệ thống của Vinpearl thì thách thức đầu tiên là phải vượt qua chính bản thân mình để từ bỏ những đỉnh cao vinh quang ra làm startup.

Bạn cứ hình dung, đang từ một đỉnh vinh quang, ngồi ở vị trí rất cao ở công ty lớn với thu nhập ổn định, được đội ngũ lãnh đạo đánh giá cao, thì nay để startup phải từ bỏ tất cả giống như việc bạn từ trên trời rớt xuống khỏi mặt đất, rồi sau đó một thời gian mới trèo lên tới mặt đất và phát triển. Khó khăn lớn nhất là phải vượt qua chính bản thân mình mới có thể startup là như vậy.

Sau đó mới đến câu chuyện làm sao để xây dựng đội ngũ kinh doanh tốt, thu hút vốn và nuôi quân phát triển cùng hàng loạt khó khăn khác kéo theo.

“Hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam sắp bùng nổ”

- Anh đánh giá thế nào về triển vọng mà ứng dụng công nghệ trong hoạt động công nghệ ở Việt Nam?

Anh Đào Quang Thuận: Với đà phát triển như hiện nay, tôi tin rằng chỉ trong 2-3 năm nữa thôi hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam sẽ bùng nổ và sẽ giúp cho việc kết nối, quản lý, phân phối, xây dựng trong du lịch phát triển bùng nổ.

Ví dụ như nếu có thể kết nối 9 dự án của chung kết cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch” cũng đã tạo được một sức mạnh rất lớn giúp cho diện mạo du lịch Việt Nam phát triển một bước mới.

Chia sẻ của anh Đào Quang Thuận.

- Hiện số lượng doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào mảng ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cũng rất nhiều, theo anh doanh nghiệp nội địa có bị yếu thế?

Anh Đào Quang Thuận: Một trong những lợi thế của các startup Việt Nam là chúng ta đang được làm việc ở sân nhà và chúng ta phải tận dụng được lợi thế này từ việc hiểu rõ văn hóa địa phương và mọi “đường đi nước bước.”

Đặc biệt, chúng ta có được sự hỗ trợ từ các ban, bộ, ngành, chính phủ, hỗ trợ từ thuế… Những lợi thế này chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới có được chứ doanh nghiệp nước ngoài lại không có.

- Những ưu đãi của chính phủ dành cho các startup công nghệ hiện nay đã phù hợp?

Anh Đào Quang Thuận: Về mặt vĩ mô, tôi thấy những định hướng của Chính phủ về quốc gia khởi nghiệp là đúng. Tuy nhiên, chi tiết cách thức triển khai thực hiện thì còn thiếu và cần phải được thúc đẩy nhiều hơn.

Áp lực của những startup công nghệ du lịch ở Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn

- Ông đánh giá thế nào về khởi nghiệp trong du lịch ở Việt Nam?


Ông Lý Đình Quân: Khởi nghiệp trong du lịch ở Việt Nam thực sự là một tài nguyên vô cùng lớn. Tuy nhiên, để khai phá được nguồn tài nguyên này cần có trí tuệ, cần công cụ về công nghệ cũng như kết nối các nguồn lực lại hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Việc Sông Hàn phối hợp với Tổng cục Du lịch là cách kết nối giữa ba nhà là nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp thành tập đoàn các nhà đầu tư. Như vậy, chúng ta sẽ có được một hệ sinh thái năng động, hiệu quả nhanh nếu hỗ trợ cho các bạn trẻ.


Bạn trẻ nào có ý tưởng sáng tạo tốt mà thiếu công nghệ chúng tôi sẽ hỗ trợ công nghệ, bạn trẻ nào giỏi công nghệ mà yếu về mặt thị trường thì chúng tôi hỗ trợ thị trường, nếu thiếu vốn chúng tôi sẽ kết nối các nguồn vốn… Làm như vậy sẽ tạo ra một hệ sinh thái năng động, gắn kết.


Khi hệ sinh thái năng động các bạn sẽ tha hồ phát triển các ý tưởng sáng tạo của mình và tiếp cận thành công nhanh hơn.


Chia sẻ của ông Lý Đình Quân về khởi nghiệp du lịch:

- Ông đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch ở Việt Nam hiện nay ra sao?


Ông Lý Đình Quân: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch ở Việt Nam hiện nay hầu hết đang phát triển ở những thành phố lớn, đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, mạnh và lan tỏa.


Song, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn đang gặp nhiều điểm "nghẽn." Điểm "nghẽn" đầu tiên là ở giáo dục khởi nghiệp. Các trường đại học của chúng ta chưa đưa giáo dục khởi nghiệp thành giáo dục thường xuyên, như thế các em sẽ vẫn tư duy theo lối cũ, không tiếp cận được tư duy mới với các công cụ mới. Vì vậy mà mô hình kinh doanh của các bạn sẽ ít sáng tạo hơn.


Điểm "nghẽn" thứ hai là trong hệ sinh thái các doanh nghiệp du lịch, bản thân những người tiên phong trong việc kết nối nguồn lực mới đang dừng ở là giai đoạn này.

Điểm "nghẽn" thứ ba là các nhà đầu tư đang trong giai đoạn hạt giống, ươm tạo, còn nhiều hạn chế, vì họ chưa dám đầu tư giai đoạn "concept" – là giai đoạn từ ý tưởng lên mô hình kinh doanh và ra sản phẩm.


Nếu tiếp tục kết nối, phát triển tư duy mở và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ thì các startup trẻ sẽ phát triển rất nhanh. Câu chuyện tiếp theo là chúng ta làm sao để lan tỏa được tinh thần nhân văn, lan tỏa tới các địa phương chứ không chỉ ở các thành phố lớn.




Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Xuân Mai

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.