|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh doanh du lịch, khách sạn hiệu quả thời công nghệ 4.0

21:08 | 30/04/2019
Chia sẻ
Sự kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng đòi hỏi DN kinh doanh du lịch, khách sạn phải có sự đầu tư vào các công nghệ để nâng cao hiệu quả, tạo ưu thế cạnh tranh.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo Sở Du lịch TPHCM, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú ở thành phố có bước phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính tới cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố đã có 2.937 cơ sở lưu trú du lịch các loại với hơn 60 nghìn phòng kinh doanh. Trong đó, 1.458 khách sạn từ 1 đến 5 sao với 41.340 phòng kinh doanh, 1.479 cơ sở lưu trú du lịch với 34.755 phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Hệ thống dịch vụ cơ sở lưu trú phát triển góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch thành phố.

Song song đó, để "thích ứng" trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách Việt Nam nói chung và DN tại TPHCM nói riêng đã chủ động đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh giúp đáp ứng nhu cầu cho du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, thanh toán trực tuyến...

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, trong tổng doanh thu 4.575 tỷ đồng của Saigontourist năm 2018, doanh số từ bán hàng trực tuyến chiếm đến 30%. Để đạt được kết quả việc kinh doanh trong thời đại công nghệ thì tất cả phải thay đổi. Tại công ty, 80% hoạt động tiếp thị đã chuyển qua tiếp thị số. Việc xác định khách hàng tiềm năng để tiếp thị cũng thay đổi. Hành vi mua sắm được theo dõi, phân tích dựa vào công nghệ đã đưa ra thông tin hơn thay vì cứ ước đoán như trước đây. Điều này giúp công ty biết cách phân bổ chi phí vào đâu, biết điểm dừng của chiến dịch tiếp thị.

Kinh doanh du lịch, khách sạn hiệu quả thời công nghệ 4.0 - Ảnh 1.

Du khách quốc tế tham quan Di tích lịch sử Dinh Thống Nhất. Ảnh: T.D.

Bên cạnh đó, theo bà Trà, hiện phương thức kinh doanh, bán hàng mới chưa hoàn toàn lấn lướt kiểu truyền thống. Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị tiếp cận từ bây giờ thì mới có thể bắt kịp. Năm trước đó, khi nói đến kinh doanh trực tuyến, công ty xác định “không làm là chết” và dự báo đến một ngày nào đó kiểu bán truyền thống khó sống. Sẽ có một ngày không ai đến văn phòng mua tour nhưng ngày đó hiện vẫn ở tương lai. Vì thế, công việc hiện tại là tham gia sâu vào công nghệ nhưng vẫn chăm chút cho kiểu bán hàng truyền thống để cả hai mảng nương nhau phát triển.


Ngoài ra, theo đại diện một số DN, du lịch là một sản phẩm đặc biệt nên việc gia tăng hiệu quả bán hàng trực tuyến không chỉ khó ở chỗ cần đầu tư lớn cho công nghệ mà còn ở chỗ con người. Để có thể kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0 thì doanh nghiệp không chỉ cần phải thay đổi ở khâu làm sản phẩm, tiếp thị, bán hàng mà còn cả cách điều hành, quản lý và đội ngũ nhân viên cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Nhiều thách thức

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, các DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao từ các dịch vụ của khách sạn, các khách sạn đòi hỏi đầu tư vào các công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và nhằm tạo lợi thế trong thời buổi cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn đang trở nên gay gắt.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng, sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao từ các dịch vụ của khách sạn, đòi hỏi các khách sạn cần đầu tư vào các công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tạo lợi thế trong thời buổi cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn đang trở nên gay gắt. Bên cạnh đó, hệ thống internet phát triển đã thay đổi nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, trong đó có hoạt động tiếp thị. Những hình thức tiếp thị theo kiểu truyền thống đã không còn hiệu quả.

Ông Nguyễn Đông Hoà, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhìn nhận áp dụng trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực du lịch vẫn còn cơ bản như chat box hoặc hộp thư trả lời tự động. Trong khi ở các nước, trí tuệ nhân tạo được triển khai ngày càng phổ biến, nhiều khách sạn dùng thuật toán cho dịch vụ quản lý thương hiệu, quản lý khách hàng trên toàn hệ thống mạng...

Theo ông Hòa, trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong phân tích đối thủ cạnh tranh, quản lý danh tiếng online, phân tích dữ liệu, robot, cá nhân hoá dịch vụ; phân tích dữ liệu số về thị trường khách, hành vi của khách. Có điều, để áp dụng được, cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt kinh doanh du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, theo ghi nhận, hiện cũng còn khá nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch chưa đầu tư vào công nghệ tương xứng, vẫn sử dụng công cụ ghi chép, làm thủ tục cho khách bằng sổ sách thay vì máy tính, công nghệ... Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên HG Holdings và Gotadi (trang web đặt phòng trực tuyến) cho biết, khi đến một số khách sạn ở khu vực quận 1, TPHCM rất bất ngờ khi chủ những khách sạn này sáng nào cũng phải đến kiểm tra từ phòng ốc, chìa khóa phòng, sổ sách ghi chép…

Trong khi ở những khách sạn lớn, hệ thống công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng, chủ khách sạn có thể theo dõi, quản lý bất cứ lúc nào mà không cần có mặt. Do đó, nhằm tăng tính cạnh tranh cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh, các DN cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ.

Thu Dịu