Vượt xa mức trung bình cả nước, IIP một thủ phủ công nghiệp tăng trưởng trên 15%
IIP tăng 15,16% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hải Phòng, tháng 1 năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Hải Phòng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với mức tăng 15,16% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, so với tháng 12/2024, IIP giảm 13,33%, chủ yếu do tháng 1 là thời điểm trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán khiến số ngày làm việc ít hơn tháng trước.
Trong mức tăng trưởng chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 16,11 điểm %; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải đóng góp 0,02 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện tác động giảm 0,87 điểm %; ngành khai khoáng làm giảm 0,09 điểm %.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/11/iip-hp-t1-2025021112051850.png?width=700)
IIP tháng 1 so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Hải Phòng).
Cục Thống kê Hải Phòng thông tin thêm, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1 dự kiến giảm 1,62% so với tháng 12/2024 và tăng 1,26% so với thời điểm 1/1/2024. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,9%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 9,42%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,28%.
Hút gần 150 triệu USD vốn FDI
Trong tháng đầu năm nay, Hải Phòng đã thu hút được 149,94 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, có 16 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký là 122,64 triệu USD; ba dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 26 triệu USD; hai lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn đăng ký đạt 1,5 triệu USD.
Luỹ kế đến tháng 1 năm nay, toàn thành phố có 1.035 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 33,8 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt gần 21.000 tỷ đồng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 ước đạt 20.695,8 tỷ đồng, tăng 1,54% so với tháng trước và tăng 14,08% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê Hải Phòng, do tháng 1 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu về hoạt động thương mại, vận tải của người dân tăng cao còn nhu cầu về hoạt động lưu trú, lữ hành có xu hướng giảm.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/11/blhh-dvtd-20250211120516979.png?width=700)
Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Hải Phòng).
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 2,95% so với tháng trước và tăng 14,58% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 7,73% so với tháng trước và tăng 17,44% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 3,41% so với tháng trước và tăng 14,11% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước giảm 14,32% so với tháng trước và tăng 3,95% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác giảm 9,41% so với tháng trước và tăng 4,71% so với cùng kỳ.
Khách du lịch giảm so với cuối năm 2024
Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ trong tháng 1 ước đạt 516.000 lượt, giảm 13,97% so với tháng trước và tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 73.300 lượt, giảm 6,4% so với tháng trước và tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tăng 3,18%, 9/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng giá
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tại Hải Phòng tăng 0,97% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính, có 7 nhóm có chỉ số giá tăng và ba nhóm có chỉ số giá giảm.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1 tăng 3,18%, với 9/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính tăng giá và hai nhóm giảm giá. Trong các nhóm hàng tăng giá, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 8,69%.
Chi ngân sách gấp rưỡi cùng kỳ
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 1 ước đạt 14.947,7 tỷ đồng, bằng 12,66% dự toán HĐND TP giao và tăng 34,21% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt 9.903,9 tỷ đồng, bằng 19,42% dự toán và tăng 50,8% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.352,1 tỷ đồng, bằng 6,94% dự toán và giảm 2,58% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương tháng 1 ước đạt 2.578,3 tỷ đồng, bằng 5,56% dự toán HĐND TP giao và tăng 53,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển đạt 1.184,5 tỷ đồng, bằng 4,66% dự toán và tăng 88,74% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 1.342,3 tỷ đồng, bằng 6,9% dự toán và tăng 41,2% so với cùng kỳ.
Tổng dư nợ tín dụng tăng gần 30%
Về tình hình hoạt động tín dụng, Cục Thống kê Hải Phòng cho biết, tổng nguồn vốn huy động trên toàn thành phố tính đến ngày 31/1 ước đạt 359.455 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động bằng VND tăng 9,52% và chiếm tỷ trọng 94,98%, huy động bằng ngoại tệ tăng 17,5% và chiếm tỷ trọng 5,02%.
Đến hết tháng 1, tổng dư nợ cho vay tại Hải Phòng ước đạt 260.137 tỷ đồng, tăng 26,95% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu phân theo thời hạn, cho vay ngắn hạn tăng 29,75% và chiếm 55,83% tổng dư nợ; cho vay trung, dài hạn tăng 23,58% và chiếm 44,17% tổng dư nợ.