|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Du lịch xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức

13:43 | 30/03/2019
Chia sẻ
Phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh là cơ hội, thách thức và cũng là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Đây là nhận định của Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Nguyễn Văn Đính tại Diễn đàn với chủ đề “Du lịch xanh”, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; cùng đại sứ Vương quốc Tây Ban Nha, đại diện vụ Đông Nam Á - Ngân hàng phát triển châu Á; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tập đoàn Flamingo, câu lạc bộ CTC...

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2017, Việt Nam được UNWTO xếp hạng 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, được WTA bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, Việt Nam đang chứng kiến nhiều bài học, kinh nghiệm cả trong môi trường tự nhiên và văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, hiện nay tại Việt Nam, các chính sách chiến lược, quy hoạch định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Du lịch xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết, Hiệp hội Du lịch sẽ tiếp tục đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp du lịch, nhằm đẩy mạnh du lịch xanh tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch xanh, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch xanh là loại hình du lịch hướng tới bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ông Vũ Thế Bình hy vọng, trước vấn đề “nóng” này, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp du lịch sẽ góp thêm nhiều sáng kiến về phát triển du lịch xanh tại Việt Nam. Bởi, theo ông Vũ Thế Bình, môi trường là vấn đề sống còn trong tương lai của nhân loại. Vì vậy, du lịch phải là ngành đi đầu trong lĩnh vực vận động cả xã hội cùng đồng hành để bảo vệ môi trường.

Diễn đàn “Du lịch xanh” có hai phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất có bốn chủ đề: Du lịch xanh - Xu hướng thế giới và tiềm năng phát triển ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra; Quan điểm của Tây Ban Nha về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, gắn với du lịch xanh; Thực trạng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh ở Việt Nam và Quan điểm của ADB đối với phát triển du lịch xanh ở Việt Nam.

Trong phiên thảo luận thứ nhất, các diễn giả đi sâu vào việc chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh tại một số quốc gia, cũng như tại Việt Nam. Theo GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam), mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng... ở Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó, cả cộng đồng cần phát triển du lịch xanh, phát triển nền kinh tế xanh bền vững.

Du lịch xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 2.

Tập đoàn Flamingo hướng tới việc xây dựng các sản phẩm "xanh", mang lại những trải nghiệm ẩm thực xanh, sống xanh, hành trình hay nghỉ dưỡng xanh cho du khách lưu trú tại đây.

Với dẫn chứng đưa ra của GS, TS Nguyễn Văn Đính, thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có nhiều lưu ý trong việc phát triển du lịch xanh, như tại một số tỉnh Tây Bắc đã có du lịch cộng đồng; Thừa Thiên - Huế chú trọng vào du lịch nhà vườn; Nha Trang tập trung về du lịch biển, đảo; một số tỉnh Nam Bộ "tranh thủ" với mô hình miệt vườn để làm dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh...

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh những tiềm năng phát triển du lịch xanh, Việt Nam cũng có nhiều vấn đề và cần giải pháp để vượt qua khó khăn. Đầu tiên là ở Việt Nam, nhận thức vể việc phát triển du lịch xanh chưa đầy đủ và chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững của đất nước. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Thứ ba là sự thiếu thốn trong vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh. Thứ tư, nhận thức của khách du lịch và việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp cũng là một thách thức cần phải vượt qua nếu muốn hướng tới du lịch xanh…

Hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến du lịch xanh chưa được phát triển mạnh mẽ, cụ thể: Phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu... Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ; khiến môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Du lịch xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 3.

Ông Steven Schipani, đại diện Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ đầu tư nhằm cải thiện du lịch Việt Nam.

Chia sẻ về những hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua, Trưởng Ban Quản lý dự án, Cơ quan Đại diện Thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Steven Schipani cho biết, trong giai đoạn từ 2003 - 2019, ADB đã đầu tư bốn dự án công trình trị giá khoảng 114 triệu USD, nhằm cải thiện hạ tầng du lịch với các con đường mới, trung tâm thông tin du lịch, xây dựng năng lực quản lý điểm đến và thúc đẩy hợp tác trong vùng…

Trong phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu thảo luận dựa trên một số kinh nghiệm điển hình trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, như: Xây dựng sản phẩm lưu trú xanh của tập đoàn Flamingo; chia sẻ điển hình tốt của CLB Du lịch cộng đồng CTC. Đặc biệt, có sự chia sẻ về kinh nghiệm điều hành homestay của người dân tộc thiểu số của anh Tráng A Chu (sinh năm 1982) ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La).

Du lịch xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 4.

Homestay A Chu ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - nơi lưu trú "xanh" thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng.

Nhận thấy hướng phát triển của du lịch của Mộc Châu, Vân Hồ, từ năm 2013, A Chu mới biết đến cái nghề gọi là "nghề làm dịch vụ du lịch". Và nhờ có sự tư vấn, cầm tay chỉ việc của thầy Dương Minh Bình và Công ty CBT Travel, đến năm 2014, anh đã dần hoàn thiện kiến thức của mình về dịch vụ đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nghĩ lại giai đoạn đầu khởi nghiệp, A Chu gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn của tỉnh cấp còn ít, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, chưa có cầu bắc qua con suối lớn hay hệ thống nước thải cho bản và các hộ du lịch chưa hoàn thiện... nhưng chỉ hai năm sau, homestay của A Chu đã đón 1.300 lượt khách, năm 2017 đón 2.200 lượt, năm 2018 đạt 5.700 lượt khách, đạt 60%/năm. Homestay của A Chu mang lại cho gia đình anh vài trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Cách làm của A Chu đã mở ra một hướng làm ăn mới cho bà con ở bản Hua Tạt. Đến nay, trong bản Hua Tạt đã có năm gia đình làm du lịch cộng đồng.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như: Mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú. Nhiều doanh nghiệp đã hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi; xây dựng sản phẩm du lịch đặc biệt về làm sạch môi trường...

Minh Khang