|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triển vọng 2025: 'Mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 là rất thách thức'

07:00 | 08/01/2025
Chia sẻ
Dù tăng trưởng cao trong năm 2024, song lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 97,8% mục tiêu 18 triệu lượt khách và chỉ bằng 97,6% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Vì vậy, mục tiêu 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay là rất thách thức.

Nhờ chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, cả năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước. Tuy vậy, theo các chuyên gia, con số này vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn so với giai đoạn trước dịch hoặc so với các nước láng giềng như Thái Lan và Singapore. 

Bức tranh tươi sáng

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kết quả đón khách quốc tế năm 2024 cho thấy bức tranh tươi sáng của ngành du lịch Việt Nam, hoàn thành tốt mục tiêu rất tham vọng đã đặt ra từ đầu năm, đạt tăng trưởng gần 40% so với năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh một số thị trường chính phục hồi chậm, sự đa dạng hóa và phát triển của nhiều thị trường tiềm năng đã giúp ngành du lịch phục hồi ngoạn mục.

Cụ thể, xét theo khu vực, thị trường châu Úc cao vượt so với mức năm 2019 với mức tăng trưởng đạt 125%; châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Á gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%. Châu Âu phục hồi 92%. 

Sự phục hồi của các thị trường nguồn châu Á được dẫn dắt bởi thị trường lớn Hàn Quốc với mức phục hồi 106%, Đài Loan đạt mức 139%. Bên cạnh đó, Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 297% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt mức 208%.

Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi rất tốt: Indonesia đạt 173%, Lào đạt 151%, Philippines đạt 148%, Singapore đạt 112%.  

Ngoài ra, thị trường tiềm năng Ấn Độ trong thời gian qua có sự tăng trưởng rất đáng kể, từ 138 nghìn lượt năm 2022 lên 392 nghìn lượt năm 2023, và đạt 501 nghìn lượt năm 2024, tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm và hiện nay xếp ở vị trí thứ 6 các thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019, đạt mức 105%, Australia đạt mức 128%.  

Ở Châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt mức 109%, Ý đạt mức 126%, Đức đạt mức 110%. Anh và Pháp gần phục hồi hoàn toàn (97%). 

“Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023”, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ.

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế năm 2024 so với 2019. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Đáng chú ý, năm 2024 cũng chứng kiến nhiều người thuộc giới siêu giàu thế giới tới Việt Nam du lịch. Tháng 3, tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái dành 4 ngày ở Đà Nẵng, chơi tennis và lưu trú trong khu nghỉ dưỡng biệt lập tại bán đảo Sơn Trà.

Hồi tháng 8, tỷ phú Ấn Độ đưa 4.500 nhân viên sang Việt Nam du lịch và bản thân tỷ phú Ấn Độ cũng có những trải nghiệm cùng gia đình tại Đà Nẵng. Đây không chỉ là cơ hội để gia tăng doanh thu mà còn là cách Việt Nam định vị mình trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu.

Phục hồi vẫn tương đối chậm 

Dù đã có nhiều bước chuyển mình đáng khích lệ sau đại dịch, song ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng ngành du lịch Việt phục hồi vẫn tương đối chậm so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, trong năm 2024, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt khách, trong khi con số này tại Thái Lan và Malaysia lần lượt là 35 triệu lượt khách và 27 triệu lượt khách.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Về nguyên nhân, ông Chính cho rằng, dù Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong chính sách thị thực (miễn thị thực cho 26 quốc gia), tuy nhiên các nước láng giềng như Thái Lan (gần 100 quốc gia), Malayia (166 quốc gia) và Singapore (162 quốc gia) vẫn vượt trội với chương trình miễn thị thực rộng rãi hơn và các chính sách đặc biệt nhằm thu hút khách quay lại nhiều lần.

“Việc mở thêm nhiều đường bay quốc tế và giảm thiểu các rào cản hành chính ở các quốc gia này cũng giúp họ duy trì vị thế cạnh tranh”, ông Chính phân tích. 

Ngoài ra, hoạt động tiếp thị và quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam chưa đạt được quy mô và hiệu quả như các quốc gia láng giềng. Theo đó, Thái Lan và Singapore thường xuyên tổ chức các chiến dịch marketing mạnh mẽ, tận dụng các nền tảng truyền thông số và mạng xã hội để tiếp cận du khách toàn cầu.

Còn gian hàng du lịch Việt Nam thiếu sự hiện diện tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn như Hội chợ Du lịch Thế giới London 2023 và Hội chợ du lịch quốc tế  Berlin 2024  bỏ lỡ cơ hội kết nối với các đối tác tiềm năng.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ có một vài văn phòng xúc tiến du lịch quốc tế, ví dụ tại Hàn Quốc, trong khi các nước láng giềng sở hữu mạng lưới văn phòng rộng khắp, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và hỗ trợ du khách.

Về chất lượng dịch vụ và sản phẩm, du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm truyền thống, thiếu sự sáng tạo và đổi mới trong các trải nghiệm cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm hướng đến phân khúc du khách cao cấp hoặc trung lưu.

“Các hoạt động kinh tế đêm và các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp chưa được đầu tư đúng mức, khiến du khách có ít lý do để lưu trú lâu hơn hoặc chi tiêu nhiều hơn”, Trưởng Ban thư ký TAB nêu rõ.

Còn theo bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê, dù tăng cao trong năm 2024, song khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 97,8% mục tiêu 18 triệu lượt khách và chỉ bằng 97,6% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Đáng chú ý, thị trường truyền thống Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 64%, Nhật Bản đạt 75%; Thái Lan và Malaysia cùng đạt mức phục hồi 82%.

Do đó, mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 là rất thách thức. 

Về giải pháp, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, ngoài tiếp tục cải thiện chính sách visa, ngành du lịch cần tiếp tục xúc tiến và tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí để khách kéo dài thời gian lưu trú; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và đẩy mạnh hoạt động quảng bá. 

"Phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong việc quảng bá hình ảnh du lịch cũng như nâng cao chất lượng du lịch khi khách quốc tế đến Việt Nam", bà Phương nêu rõ.

Ngọc Bảo

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.