Hướng dẫn viên bỏ việc lương cao để lập sàn giao dịch tour du lịch
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, hơn 10.000 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động ở Việt Nam, song chỉ khoảng 5.000 doanh nghiệp trong số đó áp dụng thành công thương mại điện tử.
Cơ hội làm trung gian trong ngành du lịch
Việc các doanh nghiệp du lịch không thể, hoặc không muốn, tự xây dựng trang thương mại điện tử tạo ra cơ hội cho các startup làm dịch vụ trung gian.
Anh Lê Hồng Tú, người sáng lập và điều hành sàn giao dịch Trip Tour. Ảnh: Trip Tour
Là một hướng dẫn viên có hơn 10 năm kinh nghiệm và mức lương hấp dẫn, Lê Hồng Tú, giám đốc sàn thương mại điện tử Trip Tour (triptour.vn) đã quyết định từ bỏ công việc hướng dẫn viên để xây dựng nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp lữ hành.
"Chúng tôi muốn xây dựng một chợ tour để đáp ứng nhu cầu của thị trường lữ hành", anh Tú thổ lộ.
Trip Tour là sàn giao dịch điện tử về tour du lịch, nơi các doanh nghiệp lữ hành - từ lớn đến nhỏ - có thể bán những tour trọn gói. Khách hàng có thể mở app để tham khảo gói tour, nhận thông tin tư vấn và mua tour.
Vì có kinh nghiệm dẫn tour hơn 10 năm nên Tú chỉ chọn những doanh nghiệp mà anh cảm thấy phù hợp để giới thiệu dịch vụ, chứ không tiếp cận doanh nghiệp một cách đại trà.
"Khi tiếp cận doanh nghiệp, chúng tôi luôn nói về lợi ích mà họ sẽ nhận nếu hợp tác cùng Trip Tour, rồi mới đề cập tới các điều khoản", anh nói.
Vừa là trung gian, vừa bảo vệ quyền lợi của người mua tour
Doanh nghiệp niêm yết giá tour công khai, khách hàng không mất phí giao dịch, còn Trip Tour hưởng mức hoa hồng 2-8% tổng giá trị giao dịch thành công.
Giao diện của Trip Tour vào ngày 12/8. Ảnh chụp màn hình
Một số người dự đoán rằng trong tương lai, các doanh nghiệp có thể tự xây dựng sàn thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ của họ và ngành du lịch không phải ngoại lệ. Nhưng Tú không lo lắng.
"Quả thực xây dựng một nền tảng thương mại điện tử là việc rất dễ dàng. Nhưng để vận hành nó, doanh nghiệp cần một đội ngũ và chi phí lớn", Tú giải thích.
Theo Tú, doanh nghiệp lữ hành nên tập trung vào những điểm mạnh của họ, và dùng dịch vụ của Trip Tour để tiết kiệm chi phí. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp lữ hành và Trip Tour mang tới lợi thế cho cả hai bên.
Luôn đề cao chất lượng để chiếm cảm tình của khách hàng, Trip Tour không chỉ đơn thuần là sàn giao dịch trung gian, mà công ty đồng hành cùng người mua tour tới khi hành trình kết thúc, giải đáp các khiếu nại của khách hàng.
Nhưng chủ trương đồng hành với người mua tour đòi hỏi công ty phải có lực lượng nhân sự hùng hậu. Trong khi đó, lực lượng nhân sự của Trip Tour rất tinh gọn.
Bằng cách chỉ hợp tác với những doanh nghiệp lữ hành có dịch vụ tốt, uy tín, Trip Tour không phải xử lý quá nhiều khiếu nại của khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ khâu đăng bài đến giao dịch với khách hàng.
"Nhờ hai giải pháp đó, chúng tôi có thể đồng hành cùng người mua tour trong khi chỉ cần duy trì lực lượng nhân sự nhỏ", Tú tiết lộ.