|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thực hư chuyện Google hợp tác với quân đội Trung Quốc: Đại gia công nghệ Mỹ làm những gì ở đất nước tỉ dân?

08:54 | 18/07/2019
Chia sẻ
Sau khi tỉ phú Peter Thiel cáo buộc Google hợp tác với quân đội Trung Quốc, giới quan sát ngày càng tỏ ra quan tâm đến hoạt động của gã khổng lồ công nghệ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
106023112-1563342325878gettyimages-1138777656

Ảnh: Getty Images

Google và hoạt động của hãng tại Trung Quốc đã nhận được sự chú ý đặc biệt trong vài ngày qua.

Trong tuần này, nhà đầu tư tỉ phú Peter Thiel đã cáo buộc gã khổng lồ ngành công nghệ Mỹ hợp tác với quân đội Trung Quốc và kêu gọi Chính phủ Mỹ điều tra Google.

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ nghiên cứu về vấn đề này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phủ nhận cáo buộc trên.

Mặc dù vậy, cuộc tranh cãi đã dấy lên mối quan tâm đến hoạt động của Google ở Trung Quốc. CNBC đã tổng hợp những hoạt động Google thực hiện tại đất nước tỉ dân như dưới đây:

Dự án Dragonfly

Google đã ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm của công ty tại Trung Quốc vào năm 2010 và gần như bị chặn hoàn toàn ở thị trường này.

Tuy nhiên, một báo cáo đã xuất hiện vào năm ngoái, trong đó cho rằng Google đang tìm cách tung ra phiên bản đã được kiểm duyệt của ứng dụng tìm kiếm do họ phát triển tại Trung Quốc.

Google từng thừa nhận công khai rằng sáng kiến này đang ở giai đoạn đầu. Tại Trung Quốc, tất cả dịch vụ Internet đều được yêu cầu kiểm duyệt thông tin mà chính phủ cho là nhạy cảm.

Tuy nhiên, ông Karan Bhatia, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và chính sách công của Google, cho biết trong tuần này rằng Google đã từ bỏ kế hoạch đối với "Dự án Dragonfly", tên của sáng kiến trên.

Do đó, ngay lúc này, Google vẫn bị chặn ở Trung Quốc và chỉ có thể được truy cập thông qua mạng riêng ảo (VPN) giúp che dấu vị trí mạng của người dùng.

Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI)

Một trong các cáo buộc của ông Thiel là gián điệp Trung Quốc đã thâm nhập vào các dự án AI của Google, tuy nhiên vị tỉ phú không cung cấp bất kì bằng chứng nào.

Mặc dù vậy, Google có tiến hành các dự án nghiên cứu AI ở Trung Quốc. Năm 2017, hãng tìm kiếm này đã mở một trung tâm nghiên cứu AI tại đây.

Trên trang web của mình, Google cho biết hoạt động nghiên cứu AI ở Trung Quốc tập trung vào giáo dục và công nghệ hiểu ngôn ngữ tự nhiên (kĩ thuật AI tập trung vào việc giúp máy móc hiểu ngôn ngữ của con người).

Google đang tìm cách áp dụng AI vào lĩnh vực đấu giá để quá trình đấu thầu quảng cáo diễn ra hiệu quả hơn. Điều này có thể đóng vai trò quan trọng đối với Google, một công ty hoạt động trong thị trường quảng cáo.

Tại Trung Quốc, lĩnh vực nghiên cứu này còn góp phần hoàn thiện các sản phẩm AI mà Google cung cấp trên toàn cầu, chẳng hạn như TensorFlow. Đây là một thư viện mã nguồn mở có thể giúp các doanh nghiệp phát triển sản phẩm AI của riêng họ.

Điện toán đám mây

Các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và Tencent đang chiếm ưu thế trên thị trường điện toán đám mây ở Trung Quốc. Vì thế, chiến thuật của Google là cố gắng bán sản phẩm đám mây đến các doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động ở Đông Nam Á và những nơi khác.

Tìm kiếm các bài đăng việc làm của Google ở Trung Quốc cho thấy công ty này đang có nhu cầu tuyển dụng các kĩ sư điện toán đám mây, quản lí dữ liệu, bán hàng và phát triển kinh doanh trên khắp Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Google cũng đang thuê nhân lực nhằm tiếp cận khách hàng trong các ngành cụ thể như truyền thông, giải trí và sản xuất.

Phần cứng

Google bán một số sản phẩm phần cứng bao gồm điện thoại thông minh, loa thông minh và bộ ổn nhiệt (thermostat), dưới thương hiệu Nest mà họ sở hữu. Một số trong các sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc.

Google đang tuyển dụng kĩ sư để thử nghiệm sản phẩm cũng như quản lí chuỗi sản xuất và cung ứng. Trên LinkedIn, một số nhân viên Google ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ quan trọng của hãng, đã cho biết công việc của họ là liên quan đến phần cứng.

Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin hồi tháng 6 rằng Google đang chuyển sản xuất bộ ổn áp Nest và phần cứng máy chủ khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan từ Mỹ.

Phát triển ứng dụng và Google Play Store

Google Play Store, cửa hàng ứng dụng của công ty, đã bị chặn ở Trung Quốc. Vì vậy, Google đang nỗ lực làm việc với các nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc để giúp họ đưa sản phẩm lên Play Store ở thị trường quốc tế.

Theo danh sách tuyển dụng, Google đã đăng tuyển hai nhân sự cho vị trí quản lí phát triển kinh doanh liên quan đến cửa hàng ứng dụng.

"Là một nhà quản lí phụ trách phát triển kinh doanh của Google Play Store, bạn sẽ trao quyền cho các nhà phát triển tạo dựng hoạt động kinh doanh thành công trên cửa hàng/hệ điều hành (HĐH) Android trên toàn cầu, và truyền cảm hứng cho hệ sinh thái Google nhằm cải tiến/đầu tư vào HĐH Android và cửa hàng ứng dụng", theo mô tả công việc của Google.

Google cũng tuyển dụng các vị trí khác cho hạng mục trò chơi của cửa hàng ứng dụng Play Store. Game là một phần lớn trong cửa hàng ứng dụng của hãng.

Quảng cáo

Quảng cáo đóng vai trò "xương sống" trong doanh thu của Google, tuy nhiên dịch vụ này cũng bị chặn ở Trung Quốc. Do đó, gã khổng lồ công nghệ không thể bán quảng cáo trên các nền tảng ở đất nước tỉ dân.

Vì vậy, Google tập trung vào các doanh nghiệp Trung Quốc muốn quảng cáo trên các nền tảng của hãng ở nước ngoài, cho dù đó là trên công cụ tìm kiếm, YouTube hay bất kì ứng dụng nào khác.

Google đang tuyển dụng một nhà tư vấn phát triển kinh doanh tại Thượng Hải. Người này sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và thu hút các nhà quảng cáo có qui mô vừa và lớn cho Google.

Ngoài ra, còn có các vị trí khác, chuyên tập trung vào việc thu hút nhà quảng cáo từ các ngành cụ thể như bán lẻ hoặc giải trí.

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của Google tại Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích giúp doanh nghiệp nước này sử dụng sản phẩm của hãng bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Khả Nhân