|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường gạo tuần 36/2019: Philippines siết biện pháp phi thuế quan để hạn chế gạo NK có thể khiến Việt Nam điêu đứng

09:59 | 08/09/2019
Chia sẻ
Tuần qua, thị trường gạo nổi bật với thông tin Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đang cân nhắc việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan nhiều hơn, như yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo.

Theo DA, điều này sẽ giúp nông dân đối phó với việc giá gạo giảm tại trang trại do dòng gạo nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường, sau khi luật giúp giảm các hạn chế nhập khẩu có hiệu lực.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Ariel T. Cayanan cho biết DA đang xem xét các biện pháp phi thuế quan và những biện pháp khác mà họ có thể thực hiện để ngăn chặn việc nhập khẩu thêm gạo.

Giảm giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với hàm lượng thuốc trừ sâu của gạo nhập khẩu xuống gần bằng 0 và yêu cầu các lô hàng phải trải qua phân tích rủi ro dịch bệnh gây hại là một trong số biện pháp phi thuế quan đang được DA xem xét.

"Chúng tôi phải tăng cường và thực hiện các biện pháp tiếp cận thị trường nghiêm ngặt hơn trước khi họ có thể xuất khẩu ở đây. Vấn đề gì với một MRL tiến gần đến 0, phân tích rủi ro dịch bệnh gây hại và [yêu cầu] truy xuất nguồn gốc? 

Nếu chúng tôi củng cố các qui định và họ không thể tiếp cận thị trường của chúng tôi, thì họ thực sự sẽ không thể xuất khẩu [gạo]", ông Cayanan cho hay.

gao

Đồ họa: TV

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 34,5% thị phần. 

Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1,46 triệu tấn và 589,4 triệu USD; gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Trong khi đó, hiện tại hoạt động trồng lúa của người nông dân Việt Nam vẫn liên quan nhiều đến thuốc trừ sâu, phân hoá học... 

Vì vậy, nếu Philippines thực sự triển khai sử dụng các biện pháp phi thuế quan như trên, xuất khẩu gạo Việt Nam không thể tránh bị thiệt hại. 

1

Ảnh: Shutterstock.

Tuần qua, nhu cầu gạo yếu từ Philippines cũng đã khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ. 

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm còn 325 - 330 USD/tấn hôm thứ Năm (5/9) từ 335 - 340 USD của tuần trước do nhu cầu yếu.

"Những nhà nhập khẩu Philippines đã không đặt bất kì giao dịch mới nào trong tuần này trước khi bước vào vụ thu hoạch trong cuối tháng này", một thương nhân có trụ sở tại TP HCM cho biết.

Theo một thương nhân khác, nhu cầu từ các thị trường khác cũng bị tắt, ngoài ra, Campuchia gần đây đã đóng cửa thị trường đối với gạo nếp Việt Nam, khiến giá gạo nếp giảm 100 USD từ mức cao nhất gần đây là 710 USD/tấn.

Trong bố công mới đây từ Bộ Nông nghiệp Campuchia, trong 8 tháng đầu năm, quốc gia Đông Nam Á đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn gạo sang Việt Nam thông qua các kênh không chính thức.

Con số này cao hơn đáng kể so với tổng số gạo xát được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua kênh chính thức, với tổng khối lượng chỉ đạt hơn 342.000 tấn trong 8 tháng đầu năm.

Theo Tân Hoa xã, Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng 342.045 tấn gạo sang 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ tăng 0,1% so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là người mua hàng đầu của gạo Campuchia trong giai đoạn này, với khối lượng xuất khẩu tăng 54% so với cùng kì năm ngoái lên 132.947 tấn gạo xát.

Tại Thái Lan, giá gạo chuẩn 5% tấm đã giảm nhẹ 8 USD từ 410 - 430 USD/tấn của tuần trước xuống còn 410 - 422 USD/tấn.

Tuy nhiên, mức trung bình 420 USD/tấn, gạo Thái Lan đang giao dịch gần mức cao nhất kể từ tháng 6/2018.

Giới thương nhân Thái Lan đổ lỗi xuất khẩu gạo giảm cho đồng baht mạnh, với Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Charoen Laothamtas, lo ngại đồng baht mạnh đang có tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo.

Theo ông Charoen, đồng baht đã tăng khoảng 6% so với USD kể từ tháng 1, trong khi đồng nội tệ của Việt Nam duy trì ổn định và rupee Ấn Độ thậm chí còn yếu đi.

"Đồng baht mạnh hơn phần lớn đã khiến gạo Thái trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ của chúng tôi. Ví dụ như gạo thơm Homali hiện có giá 1.200 USD/tấn, trong khi gạo jasmine Việt Nam chỉ có giá 520 USD", ông Charoen cho hay.

Hiệp hội cũng cho biết giá gạo basmati Ấn Độ đang có giá khoảng 1.030 - 1.140 USD/tấn.

Giá lúa, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn ngày 22/8 - 29/8:

Loại lúa/gạo

Giá ngày 22/8 (đồng/kg)

Giá ngày 29/8 (đồng/kg)

Lúa tươi tại ruộng

Hạt dài

4.250 – 5.500

4.250 – 5.600

Hạt thường

4.000 – 5.150

4.050 – 5.150

Lúa khô/ướt tại kho

Hạt dài

5.150 – 6.500

5.150 – 6.600

Hạt thường

4.350 – 5.950

4.200 – 5.950

Gạo Nguyên liệu

Lứt loại 1

7.150 – 8.700

7.150 – 8.750

Lứt loại 2

6.150 – 6.450

6.150 – 6.350

Xát trắng loại 1

9.050 – 10.300

8.950 – 10.400

Xát trắng loại 2

7.050 – 7.175

7.025 – 7.150

Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Tố Tố