Bản tin thị trường gạo tuần 41/2019: Rời Ấn Độ, người mua châu Phi tìm đến Việt Nam để nhập khẩu gạo
Châu Phi, vốn là người mua gạo truyền thống của Ấn Độ, đã tìm đến nguồn cung từ Việt Nam trong tuần này, nhờ đó kéo giá gạo của Việt Nam tăng 10 - 20 USD/tấn.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 330 - 340 USD/tấn trong tuần trước lên 350 USD/tấn, tương đương mức cao nhất hồi đầu tháng 8.
Nhu cầu đối với gạo jasmine Việt Nam của châu Phi đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, theo một thương nhân tại TP HCM.
Nguyên nhân là giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ duy trì ở mức cao do đồng rupee mạnh mẽ, làm giảm nhu cầu từ người mua.
Trong tuần tính đến ngày 10/10, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng ở 368 - 372 USD/tấn so với mức 369 - 373 USD/tấn của tuần trước. Mặc dù giảm nhưng vẫn cao hơn so với giá gạo Việt Nam.
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đứng trước tình hình hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản lượng gạo của Thái Lan, Singapore, quốc gia thường xuyên nhập khoảng 30 - 40% gạo từ quốc gia Đông Nam Á, đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác.
Do đó, trong thời gian tới, cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, vì cùng khu vực Đông Nam Á nên có lợi thế giao thương cùng với Singapore.
Ảnh: backtowellness.ca
Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ, đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng về việc liệu quốc gia Đông Nam Á có áp dụng thuế tự vệ chung đối với nhập khẩu gạo để giải quyết vấn đề giá lúa ở mức rất thấp, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của nông dân trên toàn quốc.
"Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này", Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines William Dar trả lời phỏng vấn bên lề phiên điều trần về ngân sách của DA tại Thượng viện vào thứ Tư (9/10).
Theo Đạo luật Cộng hoà số 8800 (RA 8800), còn được biết đến là Đạo luật về các biện pháp tự vệ, Bộ trưởng Nông nghiệp phải đưa ra quyết định sơ bộ không quá 30 ngày kể từ khi bắt đầu điều tra riêng trên cơ sở bằng chứng về việc tăng nhập khẩu sản phẩm là nguyên nhân đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp trong nước.
Việc điều tra bắt đầu được thực hiện vào ngày 9/9, nghĩa là thời hạn 30 ngày kết thúc vào thứ Tư (9/10).
Giá lúa, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn ngày 19/9 - 26/9:
Loại lúa/gạo | Giá ngày 19/9 (đồng/kg) | Giá ngày 26/9 (đồng/kg) |
Lúa tươi tại ruộng | ||
Hạt dài | 4.150 – 5.400 | 4.150 – 5.400 |
Hạt thường | 3.850 – 4.950 | 4.000 – 4.950 |
Lúa khô/ướt tại kho | ||
Hạt dài | 5.050 – 6.400 | 4.800 – 6.400 |
Hạt thường | 4.200 – 5.750 | 4.200 – 5.750 |
Gạo Nguyên liệu | ||
Lứt loại 1 | 6.750 – 8.300 | 6.750 – 8.400 |
Lứt loại 2 | 6.050 – 6.250 | 6.050 – 6.300 |
Xát trắng loại 1 | 8.250 – 9.950 | 8.350 – 9.950 |
Xát trắng loại 2 | 6.650 – 7.050 | 6.670 – 7.050 |
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/