Campuchia là một trong 5 nhà xuất khẩu gạo hữu cơ hàng đầu của EU
Theo các thành phần chủ chốt trong ngành, nhu cầu gạo hữu cơ tại EU và các thị trường chính khác như Mỹ, Australia, và Trung Quốc đang tăng mạnh khi người tiêu dùng quan tâm hơn tới môi trường và sức khỏe.
Theo dữ liệu EU chia sẻ với Liên đoàn Gạo Campuchia, quốc gia Đông Nam Á đã xuất khẩu 8.467 tấn gạo hữu cơ sang khối kinh tế trong năm ngoại, chiếm 3,9% tổng nhập khẩu gạo hữu cơ của EU.
Mỹ là nhà xuất khẩu gạo hữu cơ lớn nhất của EU, chiếm gần 70% thị trường. Theo sau là Pakistan và Ấn Độ, với lần lượt 10% và 9%.
Thái Lan xếp thứ 4 với 4,96% thị trường (tương đương 10.522 tấn gạo).
Các nhà xuất khẩu gạo địa phương cho biết khối lượng gạo hữu cơ Campuchia xuất sang khối liên minh đã tăng trong năm nay.
Theo Khmer Times, khoảng 90% tổng khối lượng gạo hữu cơ Campuchia xuất khẩu sang EU trong năm ngoái là của công ty Amru Rice Cambodia.
Ông Kann Kunthy, Phó Chủ tịch Amru Rice, cho biết công ty đã tham gia chiến lược kí hợp đồng nông nghiệp với khoảng 5.000 người nông dân và năm nay mục tiêu xuất khẩu 20.000 tấn gạo hữu cơ sang thị trường quốc tế, trong đó 80 - 90% sẽ được chuyển sang EU.
"Chúng tôi ưu tiên sản xuất gạo hữu cơ và gạo được sản xuất theo chương trình Nền tảng Gạo Bền vững (SRP). Sự đa dạng của những loại gạo này giúp Campuchia trở nên cạnh tranh hơn so với các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ", ông Kunthy nhận định.
Cũng theo ông Kunthy, sự gia tăng trong nhu cầu gạo hữu cơ là nhờ lo ngại về tác động môi trường của việc trồng lúa và sự tập trung sâu hơn vào vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng, những người không muốn tiêu thụ thuộc trừ sâu và các loại hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp.
Ông Chan Pich, Tổng Giám đốc của Signature of Asia với 1.500 tấn gạo hữu cơ xuất khẩu sang EU vào năm ngoái, cho hay nhu cầu gạo hữu cơ tại EU tăng khoảng 15% mỗi năm.
"Gạo hữu cơ Campuchia được tìm kiếm tại EU nhờ chất lượng tốt và khả năng truy xuất nguồn gốc thực sự", ông Pich nói.
Theo ông Pich, giá gạo jasmine hữu cơ đạt 1.500 USD/tấn trong khi giá gạo trắng hạt dài hữu cơ rơi vào khoảng 950 USD/tấn.
Năm ngoái, Campuchia xuất khẩu 626.225 tấn gạo (gồm toàn bộ chủng loại gạo), giảm 1,5% so với năm 2017.
Các công ty địa phương xuất khẩu chủ yếu ba loại gạo, gồm gạo thơm (493.597 tấn, tương đương 78,8% tổng xuất khẩu gạo), gạo trắng hạt dài (105.990 tấn, tương đương 16,9%), và gạo đồ hạt dài (26.638 tấn, tương đương 4,2%).
Thị trường lớn nhất của gạo Cmapuchia là EU, với khối lượng nhập khẩu đạt gần 270.000 tấn, tương đương 42,9% tổng xuất khẩu.
Tính riêng mỗi quốc gia, người mua lớn nhất của gạo Campuchia là Trung Quốc với 170.000 tấn.